Ngày 31/1, đại diện Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết, từ 0h ngày 1/2 sẽ chính thức áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định (A-CDM) tại Trung tâm điều phối khai thác ở cảng này.
Công nghệ giúp điều hành bay thông suốt
Sau gần 3 năm khảo sát, vào tháng 11/2023, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thiết bị, phần mềm triển khai mô hình cơ sở dữ liệu hoạt động của sân bay (AODB - Airport Operational Database) và phối hợp ra quyết định khai thác (A-CDM - Airport Collaborative Decision Making).
AODB và A-CDM là hai thuật ngữ chuyên ngành, chỉ các hoạt động điều phối, vận hành tại các sân bay lớn nhất thế giới. Mô hình A-CDM được nhiều chuyên gia ví von là "chiếc đũa thần" vì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vận hành khai thác tại sân bay. Ở Việt Nam, điều này có ý nghĩa đặc biệt là dịp tết Nguyên đán cận kề.
Hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị chủ quản quản lý 21 cảng hàng không, trong đó Cảng HKQT Tân Sơn Nhất liên tục hoạt động trong tình trạng quá tải công suất khai thác, khiến xảy ra ùn ứ cục bộ, gây bất tiện cho hành khách dịp cao điểm lễ, Tết.
Các quy trình hiện tại ở sân bay Tân Sơn Nhất chưa tối ưu hiệu quả khai thác do thông tin chưa thông suốt giữa các đơn vị, mỗi đơn vị thực hiện các quy trình riêng rẽ nên chưa tối ưu hóa các tài nguyên.
Bên cạnh đó, quá trình khai thác theo nguyên tắc "đến trước, phục vụ trước" dẫn đến nhiều trường hợp xáo trộn thứ tự khởi hành, nhiều tàu bay phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh, khó có thể kiểm soát được thời gian lăn.
Giữa hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất, cảng hàng không, đơn vị quản lý bay chưa có phương án tối ưu để chia sẻ thông tin về quá trình tàu bay quay đầu cũng như trạng thái hoãn chuyến theo thời gian thực.
Các đoàn công tác của Cảng đã tham khảo mô hình vận dụng cơ sở dữ liệu tổng hợp để áp dụng A-CDM tại sân bay quốc tế Changi (Singapore) và sân bay Brussels (Vương quốc Bỉ). Qua đó, dự kiến sau khi ứng dụng mô hình này, chủ lực là A-CDM sẽ giúp nền tảng thông tin thông suốt, phối hợp chia sẻ thông tin theo quy trình thống nhất và đồng bộ giữa các mắt xích, giải quyết trọn vẹn các tồn tại của phương thức hiện hành.
Sau khi triển khai, A-CDM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay, cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ, giảm thiểu các kế hoạch phân bổ vị trí đỗ, quầy check-in, gate; tối ưu thời gian quay đầu của tàu bay, cải thiện khả năng dự báo tình huống và tiết kiệm thời gian bay, giảm thiểu tắc nghẽn trên đường lăn, sân đỗ; tối ưu thứ tự khởi hành, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả vận chuyển...
Ông Nguyễn Công Hoàn, Phó giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, nhờ ứng dụng A-CDM, khách hàng sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao, hạn chế những tình huống bay vòng để chờ hạ cánh, giảm thiểu các tình huống tàu bay dừng chờ lâu trên đường băng. Đồng thời công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được phục vụ tốt hơn, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán 2024.
Kỳ vọng giúp sân bay Tân Sơn Nhất "vượt ải" tết Nguyên đán 2024
Đại diện công ty quản lý bay diễn giải, trong trường hợp sân bay đến có mật độ bay quá dày hay thời tiết dự báo không thuận lợi, thay vì chuyến bay khởi hành theo kế hoạch và bay vòng trên trời để chờ tiếp thu thì sân bay đến (có A-CDM) sẽ điều chỉnh lại giờ cất cánh cho phù hợp, khách chỉ phải chờ tại nhà ga đi. Tàu bay khởi hành theo thời gian mới, không phải bay vòng chờ tại nơi đến, tiết kiệm nhiên liệu cho hãng và thuận tiện hơn cho hành khách khi bay.
Tân Sơn Nhất hiện là cảng hàng không lớn nhất Việt Nam với tần suất cất/hạ cánh xấp xỉ 260.000 lượt. Sản lượng hành khách thông qua cảng đến cuối năm 2023 đạt 42 triệu lượt, gấp 1,5 công suất thiết kế ban đầu. Đặc biệt, trong cao điểm tết Nguyên đán 2024, sản lượng khai thác trung bình lên đến gần 150.000 hành khách/ngày.
Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật hiện hữu tại sân bay Tân Sơn Nhất chưa đồng bộ, các hệ thống thông tin chuyến bay được các bên liên quan tự phát triển nội bộ, dẫn đến việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị gặp hạn chế. Hệ thống điều hành bay ATM tại khu vực phía Nam cũng chưa được trang bị AMAN/DMAN (Hệ thống quản lý tàu bay đến/tàu bay khởi hành) dẫn đến việc sắp xếp lập kế hoạch thứ tự đến đi tại cảng chưa được thực hiện.
Việc chính thức áp dụng A-CDM là cột mốc rất quan trọng, đánh dấu thành công sau nhiều năm nỗ lực của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các bên tham gia, bao gồm: Công ty quản lý bay miền Nam (VATM), Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, SAGS, VIAGS.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cùng các đơn vị đã triển khai thành công 2 đợt thử nghiệm trên chuyến bay hằng ngày, với tổng số 22.441 chuyến bay, áp dụng đầy đủ trên các khung giờ thấp điểm/cao điểm và cả ngày 24/7 trong thời gian dài. Trong khung giờ thử nghiệm 2023, thời gian lăn bánh đã giảm 7.937 phút trên tổng số 8.586 chuyến bay. Từ đó, giảm thiểu chi phí tiêu hao nhiên liệu, giảm tiếng ồn và khí thải CO2.
Việc trở thành sân bay phối hợp ra quyết định (A-CDM) là một trong những cột mốc lớn của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, phù hợp xu thế chung của các sân bay lớn như: Amsterdam, Barcelona, Berlin, Brussels, Frankfurt, Geneva, London Heathrow, Munich, Naples, Paris CDG. Tại Châu Á cũng có khoảng 19 sân bay triển khai A-CDM thành công như Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Thượng Hải, Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan), sắp tới là các sân bay tại Malaysia và Philippines.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận