Rô-bốt đã được đưa vào dây chuyền sản xuất của Volkswagen |
Việt Nam có nguy cơ thất nghiệp cao nhất
Đông Nam Á hiện đang là trung tâm hội tụ rất nhiều doanh nghiệp sản xuất từ dệt may đến lắp ráp phương tiện, dần thay Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. Phần lớn nhân lực tại khu vực này chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung, thiếu lao động cao cấp.
Nếu thực trạng này còn tiếp diễn, các nhà phân tích từ công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft (Anh) cho rằng, tới đây, khi các dây chuyền sản xuất tại Đông Nam Á tăng cường đưa rô-bốt thay thế con người, những công nhân tay nghề kém, trình độ thấp sẽ bị đào thải, rơi vào cảnh bị lạm dụng, phải cạnh tranh hết sức kể cả những công việc được trả lương bèo bọt.
Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc ước tính, hơn một nửa công nhân tại Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines (ít nhất là 137 triệu người) đang đứng trước nguy cơ cao mất việc vì tự động hóa trong 2 thập kỷ tới. Khi đó, phần lớn những công việc trồng trọt, khai thác lâm sản, đánh bắt cá, sản xuất, xây dựng, bán lẻ đang phổ biến tại Đông Nam Á, rô-bốt đều có thể đảm nhiệm.
Ông Alexandra Channer từ Verisk Maplecroft cho biết: “Những công nhân thất nghiệp mà không có đủ kỹ năng để xoay xở linh hoạt theo xã hội sẽ phải cạnh tranh để giành giật những việc làm lương thấp, không cần nhiều kỹ năng mà đó lại chính là những môi trường dễ bị bóc lột nhất”.
Verisk Maplecroft cảnh báo, trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước hứng nguy cơ cao nhất. Họ dự đoán, công nhân trong ngành da giày, dệt may - chủ yếu do phụ nữ ở các nước như Campuchia và Việt Nam đảm nhiệm - sẽ đối mặt với mối đe dọa lớn nhất từ ngành tự động hóa trong khu vực.
Thậm chí, trong thời gian không xa sắp tới, những lĩnh vực tưởng chừng là lãnh địa chỉ riêng con người mới thực hiện như âm nhạc và nghệ thuật cũng đứng trước nguy cơ bị rô-bốt thay thế nhờ sự lên ngôi của trí thông minh nhân tạo.
Thay đổi hay thất nghiệp?
Mối đe dọa của rô-bốt đối với việc làm của con người là có thật nhưng đó là sự thay đổi, vận hành và biến đổi tự nhiên, không thể vì vậy mà kìm hãm sự phát triển của máy móc, công nghệ.
Ngược lại, con người, sinh vật bậc cao sở hữu bộ óc được đánh giá là một tiểu vũ trụ, cần phải rèn luyện và luôn luôn thay đổi bản thân để có thể thích ứng với thế giới mới. “Tự động hóa luôn đặt ra rủi ro đối với những công việc kỹ năng thấp nhưng Chính phủ và doanh nghiệp có thể quyết định mức độ tác động của nó đối với công nhân”, bà Cindy Berman đến từ Ethical Trading Initiative, tổ chức công đoàn, các công ty và quỹ từ thiện hoạt động vì quyền của người lao động nhận định.
“Công nghệ có thể gây gián đoạn nhưng nó cũng có thể là giải pháp hữu hiệu nếu Chính phủ và doanh nghiệp biết cách biến nó thành cơ hội cho những công việc tốt hơn”, bà Cindy nói thêm.
Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia như ông Mohanbir Sawhney, giáo sư chuyên ngành marketing, công nghệ tại Trường Quản lý Kellogg, con người vẫn còn một thứ vũ khí bí mật khác mà những cỗ máy khô khan không thể có đó chính là sự thấu cảm.
Kể cả khi trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning - ngành học cung cấp cho máy tính khả năng học hỏi mà không cần được lập trình một cách rõ ràng) không chỉ tiến sâu hơn vào ngành lao động thủ công mà còn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhận thức, con người vẫn còn một “ốc đảo việc làm” giữa sa mạc khan hiếm.
Với công việc đòi hỏi có sự kết nối giữa người với người như chăm sóc y tế, giáo dục, nhà hàng - dịch vụ và du lịch - thì con người vẫn là chủ đạo.
Giáo sư Mohanbir Sawhney tin rằng, nếu biết cách chuẩn bị cho thế hệ mới, tương lai việc làm sẽ là: Con người được máy móc bổ trợ chứ không phải con người cạnh tranh với máy.
Con người sẽ được đưa lên những công việc đòi hòi cao hơn, yêu cầu nhiều kỹ năng nhận thức hơn. Chẳng hạn, những tổng đài (call center) có thể được tự động hoá nhưng vẫn cần con người quản lý. Ngoài ra, sản xuất và sửa chữa các bộ phận cảm ứng, bảo trì rô-bốt, phát triển thuật toán là những công việc không ai khác mà do chính con người thực hiện.
Ngành chăm sóc sức khoẻ mang lại cơ hội việc làm rất phong phú bởi nó đòi hỏi nhân viên phải có trí thông minh cảm xúc để kết nối với bệnh nhân. Công việc trong ngành chăm sóc sức khoẻ từ điều dưỡng, chăm nom bệnh nhân đến vật lý trị liệu, sức khoẻ tinh thần đều đòi hỏi sự đồng cảm, nhạy bén cảm xúc mà máy móc không thể nhái theo con người. Chưa kể, dân số thế giới đang ngày càng già hoá đồng nghĩa còn rất nhiều cơ hội việc làm trong ngành tư vấn và chăm sóc sức khỏe bán chuyên và chuyên nghiệp.
Những cơ hội việc làm có giá trị cao hơn vẫn chờ con người đảm nhiệm bao gồm: chuyên gia về máy tính học và thuật toán cũng như phân tích và kinh tế. Những chuyên gia trong ngành này sẽ mở rộng biên giới của nền kinh tế phát triển dựa trên AI. Với tiềm năng sản xuất và hiệu quả cao, nền kinh tế này có thể tạo ra tỉ lệ tăng trưởng gấp đôi trong năm 2035 và chính con người là đối tượng được hưởng những thành tựu đó.
Chúng ta sẽ có thêm nhiều tiền và thời gian để trải nghiệm cuộc sống như đi du lịch, nghỉ dưỡng. Những thay đổi như vậy trong lối sống của con người sẽ thúc đẩy ngành nhà hàng - khách sạn và du lịch phát triển, kéo theo nhu cầu xây dựng hạ tầng phục vụ ngành này tăng cao.
Nhu cầu nhân viên khách sạn, tiếp viên hàng không, giao thông và hướng dẫn du lịch sẽ tăng vọt với đòi hỏi về kỹ năng và khả năng làm vừa lòng khách hàng - điều những cỗ máy rô-bốt không thể đáp ứng.
Một lĩnh vực khác cũng hứa hẹn rộng mở với con người đó là giáo dục. Có thể hình thức học trực tuyến sẽ thay thế những lớp học trực tiếp nhưng chúng ta vẫn cần giáo viên, hướng dẫn viên, giảng viên các cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận