Mô hình bán hàng đa cấp. Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 02/CT-BCT về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chiều 19/9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, bản thân ông và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thường xuyên bị các công ty đa cấp đe doạ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) thường xuyên điện thoại đe doạ và mua chuộc ông cũng như Thứ trưởng Trần Quốc Khánh. Vì thế, ông cho rằng, đấu tranh với những hành vi vi phạm, gian lận BHĐC không đơn giản vì lợi nhuận của hành vi lừa đảo BHĐC không nhỏ.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm, 48 doanh nghiệp BHĐC đã báo cáo doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng nhưng chỉ đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng và trả hoa hồng cũng như quyền lợi kinh tế cho người tham gia 711 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đây chỉ là phần chìm của “tảng băng” bởi những người bị hại không tố giác nên không biết thực sự con số bị thiệt hại của người dân là bao nhiêu.
Ông Nguyễn Thanh kể, Thừa Thiên - Huế là địa phương khó khăn nhưng chịu hậu quả nặng nề của hoạt động BHĐC bất chính do các doanh nghiệp từ các nơi khác tới gây ra. “Bức xúc nhất là thiệt hại nhiều mà không làm gì được, thấy sai mà không phạt được. Người bán là những doanh nghiệp ở các TP lớn. Người mua chủ yếu là người lao động, sinh viên, cán bộ về hưu… và có mối quan hệ chằng chịt. Có hội nghị BHĐC tổ chức lúc 5h sáng, có hội nghị tổ chức lúc cuối giờ chiều với hàng trăm người tham dự. Nhiều khi biết thông tin, chúng tôi đến, họ tìm cớ không cho vào”, ông Thanh kể và cho biết thêm, nhiều người bị lừa thiệt hại cả chục tỷ đồng, song không dám báo công an để còn vận động người khác, thậm chí cả cha mẹ mình để “gỡ gạc”.
Ông Thanh đề xuất, cần chấn chỉnh ngay các văn bản pháp luật và nhấn mạnh, nếu để các doanh nghiệp BHĐC hoạt động một giờ thì một giờ người dân thiệt hại. “100% là khó nhưng chúng tôi phải tìm mọi cách thu hồi thiệt hại được cho người dân bao nhiêu tốt bấy nhiêu”, ông Nguyễn Thanh nói.
Về những đề xuất của ông Thanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngay tại hội nghị đã chỉ đạo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Sỹ Nhật Tân ghi nhận và đẩy nhanh sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC và Thông tư 24/2014 của Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 42, từ đó hoàn thiện khung pháp lý. Trước mắt, trong lúc chờ các văn bản pháp lý được hoàn thiện, Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo tính toán phương án hạn chế cấp phép mới doanh nghiệp BHĐC. Bộ Công thương cũng sẽ báo cáo Chính phủ để làm rõ mức độ, tính chất của các hoạt động BHĐC để xử lý thích đáng.
Phạt 6,5 tỷ đồng 36 doanh nghiệp đa cấp Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, tính đến tháng 9, cả nước có 50 doanh nghiệp BHĐC đủ giấy phép hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm, 48 Sở Công thương địa phương đã kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, kết quả có 26/48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng. Các Sở Công thương cũng kiểm tra chuyên đề và xử lý 11 doanh nghiệp BHĐC nhưng chưa có giấy chứng nhận với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng. Theo nhiều đợt thanh, kiểm tra của Cục Quản lý cạnh tranh, tính đến tháng 8 có 36 doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt, số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia BHĐC. Có 38 khiếu nại không thuộc thẩm quyền xử lý của Cục nên đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý, trong đó có cả cơ quan Cảnh sát điều tra và Tổng cục Thuế. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận