Những hành khách đầu tiên trên các chuyến bay tổ chức theo phương thức trả phí trọn gói vừa hạ cánh tại sân bay Vân Đồn đầu tuần qua
Xung quanh thông tin Cục Hàng không tổ chức 33 chuyến bay quốc tế mỗi tuần theo phương thức trả phí cách ly trọn gói, PV Báo Giao thông đã có buổi trao đổi nhanh với Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường.
Chỉ cấp phép bay sau khi có ý kiến của địa phương nơi cách ly
Vừa qua, có thông tin về việc Cục Hàng không VN cho phép tổ chức 33 quốc tế chuyến bay mỗi tuần theo phương thức trả phí trọn gói (combo). Thông tin này có đúng không thưa ông?
Ông Võ Huy Cường: Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng kế hoạch tổ chức 33 chuyến bay mỗi tuần nằm trong văn bản Cục Hàng không VN gửi gửi Cục Lãnh sự (bộ Ngoại giao) để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng hoặc Ban chỉ đạo.
Chỉ khi được chấp thuận về chủ trương mới triển khai các bước tiếp theo. Đặc biệt, các chuyến bay trong kế hoạch này chỉ được cấp phép bay sau khi có ý kiến đồng ý/phê duyệt của các cơ quan liên quan tại địa phương có chuyến bay hạ cánh hoặc địa phương tiếp nhận cách ly.
Thực tế, tất cả mới dừng ở dự kiến trên cơ sở tổng hợp nhu cầu cũng như năng lực cách ly.
Các thị trường dự kiến bay đều là “thị trường sạch”, kiểm soát dịch tốt
Vậy cơ sở nào để Cục Hàng không VN đưa ra con số 33 này, thưa ông?
Ông Võ Huy Cường: Về cơ sở để đưa ra con số 33 chuyến bay này, tôi xin nhắc lại rằng, ngay từ ban đầu, chúng ta đã chủ trương mở các chuyến bay thường lệ chở khách quốc tế từ 6 thị trường về Việt Nam gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào và Campuchia, thực hiện từ 15/9. Đây đều là những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, đặc biệt là Đài Loan.
Để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, có rất nhiều yêu cầu cụ thể được đưa ra, đảm bảo việc phòng dịch ở mức cao nhất, trong đó có việc yêu cầu hành khách phải có xét nghiệm âm tính trước khi về nước. Hãng hàng không phải gửi danh sách hành khách trước 24 giờ trước khi thực hiện chuyến bay để thông báo cho các cơ quan có liên quan đến phòng chống dịch ở địa phương nơi có cảng hàng không đón chuyến bay để chuẩn bị người, trang thiết bị, phương tiện vật tư để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, phân loại hành khách đưa vào khách sạn được chỉ định.
Các quy trình thông thường khác về phòng chống dịch trên tàu bay cũng phải được tuân thủ, bao gồm đo thân nhiệt, đeo khẩu trang…
Thời điểm đó, Việt Nam đã thỏa thuận với nhà chức trách hàng không của 3 nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc về việc mỗi bên sẽ tổ chức 2 chuyến/tuần, tổng cộng là 12 chuyến/tuần về Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện 2 chuyến đầu tiên (chuyến ngày 25/9 về Nội Bài và chuyến ngày 30/9 về Tân Sơn Nhất) thì có trục trặc liên quan đến việc cách ly.
Nhận định cần phải có hướng dẫn thống nhất về quy trình áp dụng với công dân Việt Nam từ 6 địa bàn đó về nước và cách ly về khách sạn. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn nào ban hành.
Đầu tháng 11/2020, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 họp và thống nhất năng lực các khu cách ly của quân đội đã hết, chỉ đảm bảo phục vụ chuyến bay giải cứu công dân theo kế hoạch.
Từ đây, Ban chỉ đạo cho phép tổ chức các chuyến bay thương mại thuê chuyến do các hãng hàng không thực hiện. Hành khách sẽ phải trả tất cả các chi phí có liên quan, gồm tiền vé máy bay, chi phí cách ly 15 ngày tiền ăn tiêu chuẩn 3 bữa/ngày, chi phí xét nghiệm Covid-19 theo quy định…
Ngay sau đó,Cục Hàng không đã họp với các hãng hàng không về việc tổ chức các chuyến bay. Vietnam Airlines sau đó đã đăng ký thực hiện 7 chuyến bay theo hình thức cách ly có thu phí trả tiền trọn gói.
Trong quá trình thực hiện thí điểm 7 chuyến bay này, Cục Hàng không VN đã mời các cơ quan có liên quan bao gồm cả Cục Lãnh sự, Cục y tế dự phòng, công an, quân đội đánh giá chuyến bay đầu tiên hạ cánh Vân Đồn và giao cho cảng vụ thực hiện tương tự đối với chuyến bay đầu tiên hạ cánh ở Đà Nẵng. Qua kiểm tra đánh giá các quy trình thực hiện các chuyến bay đều đảm bảo.
Để tổ chức các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam có nhu cầu bức thiết về nước trên cơ sở tự trả chi phí cách ly tại các khách sạn được chỉ định, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức họp và thống nhất việc cần phải xây dựng một kế hoạch dài hơi báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo để có thể chuẩn bị các điều kiện, phù hợp với năng lực cách ly.
Cục Hàng không được giao phối hợp với Cục Lãnh sự đồng chủ trì cuộc họp về việc tổ chức các chuyến bay này. Nguyên tắc được đưa ra tại cuộc họp vẫn là ưu tiên chống dịch hàng đầu. Kế đó, các chuyến bay phải có chương trình kế hoạch để báo cáo cấp có thẩm quyền. Thứ ba, các chuyến bay phải được UBND các tỉnh phê duyệt phương án cách ly trước khi được cấp phép bay.
Cuộc họp đã thống nhất ngoài 12 chuyến mỗi tuần dự định tổ chức từ trước, tại 3 cảng hàng không/địa phương chưa tiếp nhận chuyến bay giải cứu (Phú Quốc, Phù Cát, Thọ Xuân), có năng lực tiếp nhận cách ly lớn sẵn sàng đón chuyến bay, mỗi ngày có 1 chuyến bay từ một trong ba quốc gia/vùng lãnh thổ tới mỗi điểm.
Như vậy, tổng số chuyến bay hàng tuần từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về 7 điểm tại Việt Nam là 33 chuyến bay/tuần.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, nhu cầu về nước của người Việt là rất lớn. Bộ Ngoại giao đã xác nhận riêng tại Nhật Bản có tới 30 nghìn người, Hàn Quốc và Đài Loan mỗi nước khoảng 15 nghìn người.
3 thị trường này cũng được đánh giá là thị trường sạch, kiểm soát tốt dịch bệnh nên số lượng các chuyến bay giải cứu công dân từ các thị trường đó là rất hạn chế.
Ngoài ra, trên cơ sở danh sách các khách sạn có thể tổ chức cách ly của các địa phương, có thể nhận thấy năng lực cách ly là có.
Chưa có hành khách nào về trên chuyến bay trả phí trọn gói dương tính với Covid-19
Các biện pháp phòng dịch đã được tính tới khi tổ chức các chuyến bay này như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Huy Cường: Tại tất cả các cuộc họp, có một nguyên tắc bất di bất dịch là chống dịch phải là ưu tiên hàng đầu. Đối với các chuyến bay thực hiện theo phương thức hành khách phải chi trả thanh toán trọn gói, 30 phút trước chuyến bay phải có danh sách chính xác về tên tuổi gửi các cơ quan có liên quan (bao gồm họ tên, vị trí ngồi khách sạn dự kiến cách ly…) để thực hiện việc giám sát.
Một trong những yêu cầu tối thượng được đặt ra là từng chuyến bay một chỉ được cấp phép sau khi chính quyền địa phương nơi có chuyến bay hạ cánh phê duyệt phương án cách ly.
Tính đến thời điểm này, chưa có thành viên tổ bay cũng như chưa có bất kỳ hành khách nào trên các chuyến bay thực hiện theo hình thức trả phí trọn gói theo combo được xác định dương tính với Covid-19.
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa: Kế hoạch tổ chức 33 chuyến bay mỗi tuần này thậm chí còn chưa được đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương. Tất cả mới chỉ là dự kiến, đang trong quá trình nghiên cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận