Không đặt sân bay căn cứ tại Tân Sơn Nhất
Hôm 16/8, Trường đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành hàng không, thuộc Tập đoàn Vingroup vừa công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.
Học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo cơ bản tại 1 trong các Học viện đào tạo hàng đầu thế giới tại Mỹ và Úc và tại Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air, trong thời gian 26 tháng. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và CASA và có cơ hội học liên thông lên đại học chuyên ngành quản trị hàng không.
Cuối giờ chiều nay (21/8), trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, cơ quan này vừa báo cáo Bộ GTVT về dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.
Cục Hàng không VN cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, dự kiến khai thác cả nội địa và quốc tế từ tháng 7/2020, khởi đầu với đội máy bay 6 chiếc. Sau đó, mỗi năm, Vinpearl Air sẽ đưa thêm khoảng 6 tàu bay vào khai thác, nâng tổng số tàu bay lên 36 chiếc vào năm 2025.
Vinpearl Air cũng dự kiến sẽ khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing 787. Đến năm 2025, theo kế hoạch, mạng đường bay của Vinpearl Air dự kiến khai thác lên tới 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.
Hãng hàng không của Tập đoàn Vingroup cũng dự kiến chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ với số đỗ tàu bay qua đêm năm 2020 là 2 vị trí. Đáng lưu ý, danh sách sân bay căn cứ của Vinpearl Air không có CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều này được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan bởi hiện tại, sân bay này đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng. Trong lịch sử, đã từng có hãng hàng không bị từ chối cho phép thành lập do đề xuất lập sân bay căn cứ tại Tân Sơn Nhất.
Dự án hàng không Vinpearl Air phù hợp với quy hoạch
Khẳng định Dự án Vinpearl Air nằm trong quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với chính sách phát triển vận tải hàng không của Chính phủ, văn bản do Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng ký đánh giá: "Quy mô đội máy bay 6 chiếc như trong dự án của Vinpearl Air là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng về quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030".
Tuy nhiên, Cục Hàng không VN lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường, trong trường hợp Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cao và các hãng hàng không thực hiện theo đúng kế hoạch đội bay đã báo cáo Cục Hàng không. Do vậy, Cục Hàng không thấy quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Năm 2018, tổng thị trường vận tải hàng không đạt xấp xỉ 70 triệu khách (tăng 12,6% so năm 2017) và 1,2 triệu tấn hàng hóa (tăng 7,2% so năm 2017), tăng tương ứng 2,1 lần và 1,64 lần so với năm 2014.
Hệ số sử dụng ghế trung bình của các hãng hàng không Việt Nam cũng rất cao, ở mức trên 84% vào năm 2018 và trên 80% giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019. Việc có thêm hãng hàng không Vinpearl Air góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường hàng không Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận