Thời sự Quốc tế

Cuộc đình công lớn nhất 50 năm của hàng hải Mỹ chưa có hồi kết, lo thiệt hại 5 tỷ USD/ngày

03/10/2024, 20:00

Cuộc đình công lớn nhất trong gần nửa thế kỷ của ngành hàng hải nước Mỹ đã bước sang ngày thứ 3, khiến hoạt động tại hầu hết các cảng biển lớn nhất bờ Đông nước này đình trệ, hàng hóa chất cao, tàu biển xếp hàng dài mà không được xử lý.

Hàng hóa chất đống, thiệt hại ước tính 5 tỷ USD/ngày

Ngày 3/10 đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp diễn ra cuộc đình công quy mô lớn nhất trong gần 50 năm qua của ngành hàng hải Mỹ trong bối cảnh mâu thuẫn vấn đề tiền lương giữa Nghiệp đoàn Công nhân Cảng biển Quốc tế (ILA) đại diện cho 85.000 công nhân và Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) đại diện cho nhóm sử dụng lao động.

2024_10_03_155516_1727934800._large.jpg

Hàng hóa chất cao như núi tại nhiều cảng bờ Đông nước Mỹ, trong khi tàu container cũng xếp hàng dài ngoài khơi các cảng chờ đợi. (Ảnh: Reuters)

Cuộc đình công đã khiến hoạt động tại hầu hết 36 cảng biển lớn ở bờ Đông nước Mỹ đình trệ. Ít nhất 45 tàu hàng container đang neo đậu tại ngoài khơi các cảng biển này không được xử lý, không thể dỡ hàng.

"Nhiều tàu hàng quyết định chờ đợi, hy vọng sẽ có giải pháp nhanh chóng để kết thúc cuộc đình công thay vì chủ động chuyển hướng tới các cảng biển khác", chuyên gia Jena Santoro thuộc công ty tư vấn về chuỗi cung ứng toàn cầu Everstream bình luận.

Bà Santoro dự báo tình trạng tắc nghẽn, chậm trễ có thể tăng gấp nhiều lần vào cuối tuần này, và phải mất nhiều tuần, thậm chí hàng tháng mới có thể giải quyết được hàng dài tàu container, hàng hóa ùn ứ tại các cảng bờ Đông. 

Trong khi đây là nơi vốn xử lý hơn 50% lượng hàng hóa vận tải đường biển của Mỹ.

Các tàu container dự kiến cập cảng bờ Đông cũng có thể lựa chọn chuyển hướng sang các cảng biển bờ Tây thông qua kênh đào Panama. Tuy nhiên hành trình này sẽ xa hơn đến hàng nghìn cây số, khiến chi phí và thời gian vận chuyển tăng cao.

Theo tính toán của tập đoàn tài chính J.P. Morgan, cuộc đình công có thể gây thiệt hại tới 5 tỷ USD/ngày.

Đàm phán bế tắc

Hãng tin Reuters cho biết, dù cuộc đình công quy mô lớn đã bước sang ngày thứ ba nhưng ILA và USMX vẫn chưa có kế hoạch tổ chức đàm phán. 

Trước đó, ngày 30/9, ILA tuyên bố hợp đồng lao động giữa công đoàn ILA và Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) đại diện cho nhóm sử dụng lao động sẽ hết hạn vào cuối ngày này. 

Kể từ rạng sáng ngày 1/10, 85.000 thành viên của ILA tại khắp các cảng biển thuộc bờ Đông và Vịnh Mexico (toàn bộ phía Đại Tây Dương) chính thức đình công.

Cuộc đình công lớn nhất 50 năm của hàng hải Mỹ chưa có hồi kết, lo thiệt hại 5 tỷ USD/ngày- Ảnh 2.

Đàm phán giữa công đoàn và những người sử dụng lao động vẫn lâm vào bế tắc. (Ảnh: Reuters)

Theo ILA, các nhà sử dụng lao động tại Liên minh Hàng hải Hoa Kỳ (USMX) từ chối giải quyết vấn đề tiền lương, trong khi suốt nửa thế kỷ qua, lợi nhuận của các hãng tàu biển tăng vọt hàng tỷ USD còn tiền lương công nhân vẫn "giậm chân tại chỗ". 

Đồng thời, ILA đề nghị USMX dừng các dự án tự động hóa cảng biển đe dọa việc làm của công nhân.

USMX đã đề nghị tăng lương tới 40% trong hợp đồng kéo dài 6 năm. Tuy nhiên, ILA yêu cầu mỗi năm phải tăng lương 5 USD/giờ, tổng cộng mức lương tăng 77% trong suốt thời hạn 6 năm hợp đồng, dẫn tới nhiều mâu thuẫn và hai bên không đạt được thỏa thuận hợp đồng lao động mới.

Cuối ngày 2/10 (giờ địa phương), USMX ra tuyên bố luôn sẵn sàng thiện chí đàm phán để giải quyết yêu cầu từ ILA cũng như các mối quan ngại của USMX nhưng không thể đồng ý với các điều kiện trước đó.

Hãng tin Reuters cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đứng về phía người lao động, gây áp lực cho các nhà sử dụng lao động phải trích một phần trong lợi nhuận từ hoạt động vận tải biển, đảm bảo đạt được thỏa thuận với công nhân.

Cũng trong ngày 2/10, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cùng 272 hiệp hội thương mại đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ sử dụng Đạo luật Quan hệ Quản lý Lao động (Taft-Hartley) để đình chỉ cuộc đình công trước những rủi ro đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên chính quyền Mỹ khẳng định, không có ý định ngăn chặn cuộc đình công tại các cảng biển bờ Đông theo Đạo luật Taft-Hartley.

Đạo luật Taft-Hartley cho phép Tổng thống Mỹ can thiệp vào các tranh chấp lao động có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia bằng cách áp dụng khoảng thời gian 80 ngày xoa dịu căng thẳng giữa các bên để ký kết thỏa thuận, buộc người lao động quay trở lại làm việc.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.