Bù hàng tỷ đồng vì giá cước tăng
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, hai tháng nay, mỗi container hàng xuất bến của doanh nghiệp này đều phải bù thêm 5.000 USD do bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển). Lý do là giá cước vận chuyển sang các thị trường như châu Âu, Mỹ, Trung Đông… tăng mạnh. Trong khi đó, đây là các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp, bao gồm cà phê, hồ tiêu, nhiều loại gia vị khác.
Giá vận tải biển tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
Ông Thông thông tin, từ tháng 4 - 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở TP.HCM đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD/ container loại 40 feet. Việc tăng giá vận chuyển nhanh như vậy khiến doanh nghiệp tổn thất rất lớn.
"Có tháng xuất đi 100 container, đồng nghĩa phải bù thêm 500.000 USD (gần 13 tỷ đồng)", ông ước tính.
Với thực tế hiện nay, ông Thông cho biết, doanh nghiệp của ông chưa đàm phán được với khách hàng cùng chia sẻ rủi ro. Do đó, đơn hàng cũng chậm lại nhằm tránh thêm thiệt hại. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi việc chậm giao hàng cũng sẽ gây ra hàng loạt thiệt hại như nguy cơ bị phạt hợp đồng, hay có thể bị mất đơn hàng…
Tương tự, đại diện công ty XNK Hoàng Gia - chuyên xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, Hàn Quốc cho hay, giá cước vận tải đã tăng khoảng 15-20% so với 2 tháng trước.
"Ước tính, mỗi tháng công ty thiệt hại hàng tỷ đồng do chi phí tăng thêm, song không còn cách nào khác. Vấn đề đau đầu hiện nay là muốn có tàu cũng không dễ, khiến nhiều lô hàng bị hoãn vào phút chót", vị này cho biết.
Đối diện nhiều rủi ro
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển tăng mạnh từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, trong vòng 1 tháng gần đây, giá cước tăng đột biến và tăng cao hơn so với với đầu năm.
Giá cước còn căng thẳng
Hiệp hội VLA dự báo, giá vận chuyển trong thời gian tới còn tăng cao khi hầu hết chuyến tàu từ châu Á đến châu Âu vẫn đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến hành trình kéo dài thêm từ 9-14 ngày, để tránh xung đột ở Biển Đỏ.
Đồng thời, tình trạng ùn tắc đã xảy ra ở một số cảng biển như Tangier (Ma Rốc) hay Algeciras (Tây Ban Nha) vì những nơi này đột nhiên trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa các tàu.
Những vấn đề trên khiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên tuyến đường biển Á - Âu ngày càng gia tăng. Không chỉ các tuyến đi Mỹ và EU mà nhiều tuyến trong khu vực châu Á cũng đang rất nóng. Điển hình, cước tàu từ Trung Quốc về Việt Nam tăng lên 800-900 USD/container 40 feet, tăng gấp 5 lần so với trước.
Diễn biến này không chỉ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chi phí bị đội lên cao mà còn đối diện với nhiều rủi ro, bị phạt hợp đồng nếu chậm trễ trong giao hàng.
Nguyên nhân được xác định là do việc định tuyến lại các tàu từ Biển Đỏ qua Mũi Hảo Vọng đã gây ra tình trạng thiếu công suất, tắc nghẽn cảng ngày càng tăng. Phần khác là do những dấu hiệu leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
"Chính phủ Mỹ có kế hoạch áp mạnh thuế lên nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ đầu tháng 8 tới, nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc và nhà nhập khẩu Mỹ muốn "chạy deadline". Họ muốn đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu để né thuế. Bởi vậy, họ sẵn sàng trả cước vận tải cao để giữ chỗ, chiếm container trước", vị đại diện nói.
Một doanh nghiệp logistics tiết lộ, thời điểm này, doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả giá đến 1.000 USD cho một chỗ trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD nên không thể cạnh tranh.
Không có lựa chọn
Đại diện Hiệp hội Đại lý môi giới dịch vụ Hàng hải cũng cho biết, trước đây các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến một tháng thì nay chỉ báo giá theo tuần, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Đơn vị này tính toán, với mức tăng ngưỡng 10-15%, doanh nghiệp phải trả thêm 10-15 USD/ container.
"Với số lượng 15 triệu container, số lượng tăng thêm là khủng khiếp", đại diện hiệp hội nhấn mạnh.
Chi phí vận chuyển hiện chiếm 15% giá thành sản phẩm, nhưng hiện các doanh nghiệp Việt gần như không có sự lựa chọn. Bởi về vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hiện chỉ đang đảm nhận vận chuyển khoảng 10% thị phần, chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương khuyến nghị, doanh nghiệp nên tính đến phương án chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường thuận lợi hơn, gần kề hơn như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN...
Thực tế, giá vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá 100% so với thời kỳ thấp điểm, trong khi các tuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia giá ổn định hơn.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá).
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Trước biến động về giá cước vận tải container bằng đường biển, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp cảng, hiệp hội, hãng tàu, đại lý để kiểm tra tình hình thực hiện giá dịch vụ tại cảng biển, giá vận tải container, phụ thu ngoài giá dịch vụ tại cảng, thị trường container rỗng... Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Qua các cuộc làm việc, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp cảng biển đẩy nhanh tốc độ giải phóng hàng, giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển.
Các hiệp hội ngành hàng được đề nghị nâng cao vai trò, tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước…
Hoàng Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận