Pháp luật

Cựu Phó tổng giám đốc SCB khai gì về các chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan?

12/03/2024, 19:35

Cựu Phó tổng giám đốc SCB cho rằng, đối với các dự án lớn như dự án Mũi Đèn Đỏ, do giá trị quá lớn thì bà Lan mới chỉ đạo tìm các công ty định giá lớn, uy tín. Và các chỉ đạo của bà Lan đều là chỉ đạo miệng.

Ngày 12/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Hồ sơ vay không sai nhưng hoạt động vay đều không có thật

Tại phiên toà, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) cho biết, bị cáo được bà Lan chọn và đưa lên chức vụ này.

"Bị cáo làm Phó tổng giám đốc từ 5/1/2021, thời điểm này mới thường xuyên gặp bà Lan. Bà Lan có đưa các tài sản như Time Square, An Đông vào ngân hàng SCB để thực hiện tái cơ cấu…", Dung khai.

Cựu Phó Tổng Giám đốc SCB:

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung khai tại toà chiều 12/3.

Theo bị cáo, các hồ sơ vay của nhóm bà Lan trên bề mặt hồ sơ là không sai nhưng thực tế là sai, các hoạt động theo hồ sơ vay đều không có thật.

Ví dụ như Công ty Lavifood, bản chất là có hoạt động có kinh doanh nhưng về bản chất dòng tiền là do bà Lan sử dụng. Dung cũng thừa nhận là mình có sai trong việc cho vay là không theo sát dòng tiền nên không biết cụ thể tiền sử dụng như thế nào.

Dung nói thêm, theo quy định thì tài sản trên 20 tỷ đồng phải được định giá độc lập, đối với các tài sản nhỏ, bà Lan không chỉ đạo cụ thể tìm công ty định giá nào, nhưng đối với các dự án lớn như dự án Mũi Đèn Đỏ do giá trị quá lớn, bà Lan mới chỉ đạo tìm các công ty lớn, uy tín. "Các chỉ đạo của bà Lan đều là chỉ đạo miệng", bị cáo Dung nói.

Luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan giải thích rõ về lời khai của bị cáo tại phiên xử sáng nay về nội dung "có thể ủy quyền cổ phần của tôi, của bạn bè tôi cho Ngân hàng Nhà nước hoặc vận động bạn bè nước ngoài ủy quyền cổ phần".

Trả lời luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay, bà sẵn sàng làm việc đó ngay nếu được tạo điều kiện và nói mình không cần số cổ phần đó nữa.

Luật sư: "Ngân hàng SCB có những cổ đông là pháp nhân nước ngoài, chị Trương Mỹ Lan có cách nào để tác động đến họ để khắc phục hậu quả?".

"Nếu không có hỗ trợ liên lạc từ tòa và cơ quan chức năng thì không có cách nào liên hệ, tác động", Trương Mỹ Lan trả lời.

Vợ không chỉ đạo nhưng vẫn ký lần 2

Trả lời câu hỏi của các luật sư để làm rõ thiệt hại, hành vi của các bị cáo, ông Chu Nap Kee Eric (tức Chu Lập Cơ - chồng của Trương Mỹ Lan) nói mình sở hữu hơn 99% cổ phần Timesquare.

Chu Lập Cơ đã ký cho phép vợ mình sử dụng tài sản để thế chấp nhằm giúp tái cơ cấu ngân hàng theo đề nghị. Về lần thứ 2 khi ký, mặc dù bà Trương Mỹ Lan không nói gì nhưng bị cáo vẫn ký vì nghĩ là để giúp ngân hàng.

"Bị cáo dù không biết tiếng việt nhưng tin tưởng vào nhân viên, trợ lý của mình nên vẫn ký", Chu Lập Cơ trình bày và nói thêm không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản, khoản vay tại SCB.

"Bị cáo hoàn toàn không nghĩ sẽ có hậu quả như hôm nay. Bị cáo không cố tình ký văn bản, bị cáo thừa nhận mình ký là sai, bị cáo mong tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục", Chu Lập Cơ nói.

Bị cáo Chu Lập Cơ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Còn bị cáo Trương Khánh Hoàng trình bày, ông được bà Lan đề cử làm quyền Tổng giám đốc vào 5/2021. Bị cáo cho rằng bà Lan là người đỡ đầu Ngân hàng SCB, có ảnh hưởng đến các quyết định của SCB.

Về ký tự HSTT (ký tự để chỉ các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát) đã hình thành từ trước khi bị cáo tham gia vào ngân hàng. Bị cáo có thừa nhận phê duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo chỉ đạo của bà Lan, đa phần các lệnh chuyển tiền có thiếu sót nhưng bị cáo biết là của bà Lan nên phê duyệt.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.