Giải đáp những lo lắng về nguy cơ đội vốn
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là đề nghị hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ để tiến tới vận hành và bảo trì dự án, Chính phủ khẳng định Bộ GTVT đã làm việc với các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để có chiến lược sớm tiếp cận, đào tạo nguồn nhân lực, tham gia đầu tư xây dựng đường sắt.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết Quốc hội về việc thông qua dự án đường sắt cao tốc đã có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Trong đó, Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng cũng được quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.
Với những ý kiến lo lắng về nguy cơ đội vốn, Chính phủ cho biết, sơ bộ đánh giá tác động đến các chỉ tiêu an toàn nợ công khi triển khai đầu tư dự án cho thấy, đến năm 2030, cả 3 tiêu chí (nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia) thấp hơn mức cho phép.
Hai tiêu chí (nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi ngân sách) tăng so với mức cho phép.
Sau năm 2030, tiêu chí nợ công thấp hơn mức cho phép, các tiêu chí khác tăng nhưng không nhiều so với kịch bản không đầu tư dự án.
Kịch bản đánh giá chỉ tiêu an toàn nợ công nêu trên chưa tính đến đóng góp của dự án vào tăng trưởng GDP trong thời gian xây dựng; phần chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn trả; nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD, khai thác thương mại.
Bộ GTVT đã đánh giá khả năng tăng tổng mức đầu tư, đội vốn của dự án và đề xuất các giải pháp giảm thiểu như: dự tính đến các yếu tố có thể làm tăng tổng mức đầu tư dự án (chi phí GPMB, giá cả nguyên vật liệu,...) để đưa vào chi phí dự phòng của dự án.
Đồng thời Bộ GTVT cho rằng cũng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tương tự như dự án đường dây 500kv mạch 3 và đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2... để bảo đảm tiến độ triển khai dự án.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Do đó, Chính phủ đề xuất đây là dự án đặc biệt ưu tiên nên Chính phủ sẽ cân đối để trình Quốc hội quyết định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm từng thời kỳ trên nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công quốc gia và không ảnh hưởng đến đầu tư các công trình bức thiết khác (trường học, bệnh viện...).
Đồng thời, quá trình triển khai Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án.
Vì sao dự án không kéo dài đến mũi Cà Mau?
Làm rõ những ý kiến kéo dài dự án với điểm đầu là Lạng Sơn, điểm cuối là Cà Mau, Chính phủ nói rõ trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã hoạch định phát triển các tuyến đường sắt mới từ Lạng Sơn đến cần Thơ, gồm ba đoạn tuyến: Lạng Sơn (Đồng Đăng) - Hà Nội, Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Cần Thơ để kết nối các vùng động lực, các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn.
Do các đoạn tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật và loại hình đường sắt cũng khác nhau và được nghiên cứu đầu tư theo các dự án độc lập, phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.
Chính phủ đánh giá tiến độ dự án là một thách thức rất lớn, để khai thác dự án đúng tiến độ, cần rất nhiều nỗ lực, quyết tâm cả hệ thống chính trị trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vật liệu, tập trung huy động các nguồn lực, tư vấn quốc tế, nhà thầu trong nước.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã rà soát các trình tự thủ tục thực hiện theo quy định, từ đó nghiên cứu đề xuất 19 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 5 chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm rút ngắn thời gian triển khai và bảo bảo nguồn lực thực hiện dự án.
Theo đó, đoạn Lạng Sơn - Hà Nội, chiều dài 156 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, dự kiến đầu tư trước năm 2030. Đoạn Hà Nội - TP.HCM đầu tư đường sắt tốc độ cao, phấn đấu khởi công năm 2027. Đoạn TP.HCM - Cần Thơ, chiều dài 174 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang chuẩn bị đầu tư, dự triển khai đầu tư trước năm 2030.
"Như vậy, chúng ta đang đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt cao tốc cho đoạn Hà Nội - TP.HCM trước, sau đó mới làm các đoạn còn lại", Chính phủ lý giải thêm.
Cạnh đó, Chính phủ cũng giải thích nội dung các đại biểu lo lắng về việc dự án ngập nước vào mùa lũ. Bởi lẽ, các nhà ga hầu hết được bố trí trên cao, chỉ có 1 ga ngầm, phần cầu và hầm chiếm khoảng 70%.
"Như vậy có thể giải quyết được các lo ngại của đại biểu. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến trong bước triển khai tiếp theo…", báo cáo của Chính phủ cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận