Chính trị

"Đặt bài, giao việc" cho tư nhân tham gia đường sắt tốc độ cao

Thảo luận tại nghị trường về chủ trương thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, nhiều đại biểu đề nghị cần đặt hàng doanh nghiệp trong nước tham gia và sử dụng nguồn vốn trong dân.

Phát huy sức mạnh nhân dân

Góp ý tại hội trường, đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam yêu cầu một khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến khoảng hơn 67 tỷ USD.

Theo phân tích trong tờ trình của Chính phủ, hiện nay chúng ta có dư địa rất tốt về khả năng huy động vốn và an toàn về nợ công. Trần nợ công cho phép là 60%, nhưng thực tế hiện nay chúng ta đang chỉ có 37%, như vậy vẫn còn dư địa là 23%.

"Đặt bài, giao việc" cho tư nhân tham gia đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1.

Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu cho rằng dù chúng ta có nhiều sự lựa chọn vay nợ để đầu tư cho dự án, nhưng trước hết cần huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân.

Để làm được điều này, đầu tiên cần nâng cao nhận thức, tạo dựng niềm tin vững chắc của người dân về tầm quan trọng và lợi ích to lớn mà tuyến đường sắt này mang lại. Từ đó, Chính phủ có phương án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong nhân dân.

Đại biểu đoàn Lào Cai đề nghị có thể thu hút nguồn vốn trong nhân dân thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn, đảm bảo an toàn để khuyến khích người dân tham gia.

"Như vậy, không chỉ phát huy được sức mạnh của Nhân dân trong việc huy động nguồn lực tài chính, mà còn khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước", ông Minh cho biết.

Dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, dự án đường sắt tốc độ cao là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm hơn, nếu được vào năm 2030 thì sẽ có ý nghĩa, dấu mốc quan trọng khi Đảng ta tròn 100 năm tuổi, không những thế còn tiết kiệm hàng chục tỷ USD, tránh được tình trạng đội vốn gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Để thực hiện điều này, đại biểu Minh cho rằng, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cắt giảm, rút ngắn thời gian triển khai.

Đại biểu đề nghị một trong những cơ chế quan trọng, đó là chỉ định thầu, lựa chọn các tập đoàn doanh nghiệp tầm cỡ trong nước có kinh nghiệm và năng lực để giao nhiệm vụ.

Tuy nhiên các tiêu chí chỉ định thầu cũng cần phải thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt nhà thầu phải chứng minh được năng lực, đảm bảo tốt hơn, rẻ hơn và nhanh hơn.

"Khi làm được điều này, không những chúng ta có thể yên tâm về tiến độ, chất lượng dự án mà còn gây dựng được các tập đoàn lớn mạnh, ngang tầm thế giới, góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của đất nước", đại biểu Minh chia sẻ.

"Đặt bài, giao việc" cho tư nhân tham gia

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cũng đề nghị cần tập trung 3 thành phần kinh tế, trong đó ưu tiên kinh tế tư nhân tham gia xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ông cho rằng nếu như vậy có thể giúp tiết kiệm 30% so với thành phần kinh tế nhà nước vì theo ông, trình độ của doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp nhỏ/vừa đã khác trước.

"Nếu ra đề bài một cách căn cơ nghiêm túc, sòng phẳng thì các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể làm được", ông Thân khẳng định.

"Đặt bài, giao việc" cho tư nhân tham gia đường sắt tốc độ cao- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) góp ý tại nghị trường.

Theo đại biểu đoàn Thái Bình, khi các doanh nghiệp lớn tham gia vào dự án, cần theo tinh thần thuê thiết kế độc lập không liên quan tới thầu, kể cả chi phí đắt.

"Chính phủ đặt bài toán với doanh nghiệp tư nhân bằng hợp đồng cụ thể, trả tiền đúng kỳ, hạn, chắc chắn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được. Những gì còn thiếu, doanh nghiệp sẽ chủ động bỏ tiền thuê nước ngoài, còn Chính phủ chỉ kiểm tra giám sát, lo trả tiền", đại biểu Thân nói.

Nếu huy động doanh nghiệp trong nước thì sẽ tạo hiệu quả tích cực với tinh thần hai bên cùng thắng và chắc chắn sẽ không kéo dài thời gian thực hiện.

Do đó, đại biểu đề nghị đưa đề xuất đặt hàng doanh nghiệp tư nhân này vào nghị quyết và không chỉ viết là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài nhà nước mà là giao phần việc để tránh lợi ích nhóm.

Về vấn đề vốn, đại biểu cũng cho rằng cần cố gắng hạn chế tối đa nguồn vốn nước ngoài, nên sử dụng nguồn vốn trong dân với lãi suất hấp dẫn.

"Nếu Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì hoàn toàn có thể làm được", ông Thân nói.

Với đề nghị huy động nguồn vốn trong nước, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị đàm phán chắc chắn, thận trọng các nguồn vốn nước ngoài và nên tăng cơ cấu nợ trong nước. Ưu tiên phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài, tăng cường đóng góp của người dân, doanh nghiệp qua các hình thức đóng góp trực tiếp, hoặc quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Huy động sức mạnh nội sinh

Cũng nhấn mạnh nên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là chủ yếu, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho rằng: "Điều này vừa huy động sức mạnh nội sinh, vừa tránh phụ thuộc nước ngoài. Nếu giảm được thời gian thực hiện dự án thì còn giảm được lãi suất".

Góp ý thêm về công nghệ, bà Thuý chỉ ra trên thế giới có Đức, Ý, Nhật Bản, Pháp là những quốc gia tự phát triển và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Còn Tây Ban Nha, Trung Quốc đều nhận chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ.

"Đặt bài, giao việc" cho tư nhân tham gia đường sắt tốc độ cao- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh nên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là chủ yếu.

"Có thể thấy, cả thế giới có 4 quốc gia sở hữu công nghệ gốc, còn 2 quốc gia phát triển, sau đó đạt được nhiều thành tựu nổi bật về công nghệ.

Chúng ta nên lựa chọn công nghệ không phải dựa trên giá cả, mà ở góc độ chuyển giao công nghệ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tự chủ hiện đại hóa công nghiệp đường sắt", bà Thúy nói.

Về thời gian triển khai và hoàn thành dự án, bà Thúy cho biết, cần đi tắt đón đầu, rút ngắn thời gian.

"Với bài học từ 22 quốc gia đã thực hiện và công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay thì hoàn toàn chúng ta có thể đi tắt đón đầu, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Khi nhìn lại quá trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao ở các quốc gia thì nhận thấy, điểm chung là thời gian chuẩn bị dự án dài, nhưng tiến độ thi công lại rất nhanh. Điều này cho thấy quá trình chuẩn bị dự án cần được coi trọng, xem xét các nguồn lực, các yếu tố tác động.

Vì vậy tôi đề nghị nghiên cứu giảm thời gian thực hiện dự án xuống dưới 10 năm với tinh thần chuẩn bị dự án thì thận trọng, nhưng triển khai dự án thì thần tốc", bà Thúy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.