Điều tra

DA giao thông Kim Liên: Vì sao dân kiên quyết không nhận đền bù?

09/02/2015, 15:49

Theo những hộ dân này, xung quanh chủ trương thu hồi đất của chủ đầu tư vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

121

Điểm đầu khu vựcđất của 8 hộ dân thuộc diện GPMB

Cho rằng Dự án được phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến cuối tháng 12/2014, 8 hộ dân (thuộc tổ 1, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) mới nhận được quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nên họ kiên quyết không bàn giao mặt bằng.

Theo những hộ dân này, xung quanh chủ trương thu hồi đất của chủ đầu tư dự án vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, minh bạch, gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Dự án đã hết thời hạn hiệu lực?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Xuân Hiển (trú tại 190 Xã Đàn, thuộc tổ 1, phường Phương Liên) cho biết, dự án “Xây dựng hoàn thiện tuyến đường nối từ nút giao hầm Kim Liên đến tuyến đường Kim Liên mới” được phê duyệt từ năm 2010.

Tuy nhiên, đến ngày 30/12/2014, UBND quận Đống Đa mới gửi cho gia đình ông Hiển và 7 hộ khác ở tổ 1, phường Phương Liên (những hộ có đất nằm trong diện GPMB để phục vụ cho dự án này) quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong các quyết định này, UBND quận Đống Đa đều dẫn giải Quyết định phê duyệt dự án số 1913/QĐ-GTVT được ban hành từ năm 2010 làm cơ sở pháp lý để thu hồi đất của họ.

Ông Hiển cho rằng, trong quyết định phê duyệt dự án đã ghi rõ “thời gian và kế hoạch thực hiện dự án năm 2010”, ngoài ra không có mục nào quy định dự án sẽ được gia hạn hay điều chỉnh về thời gian nên sau năm 2010, Quyết định số 1913 đã được coi là hết hiệu lực. “Việc UBND quận Đống Đa căn cứ vào một quyết định phê duyệt dự án đã quá thời gian thực hiện để thu hồi đất của chúng tôi là phi lý”, ông Hiển nói.

Trong khi đó, ông Bùi Đoàn (địa chỉ số 188 Xã Đàn, thuộc tổ 1, phường Phương Liên) chỉ ra một điểm mà ông cho rằng “chưa rõ ràng” và “thiếu minh bạch” của dự án. Đó là từ lúc được thông báo về việc chủ đầu tư sẽ thực hiện việc thu hồi đất để phục vụ dự án, ông Đoàn cùng các hộ dân có đất trong diện bị thu hồi, GPMB đã nhiều lần liên hệ với chính quyền đề nghị được xem bản vẽ thiết kế, quy hoạch cụ thể của dự án nhưng đều không được đáp ứng.

Đến ngày 3/2 vừa qua, trong buổi họp dân tại trụ sở UBND phường Phương Liên, các hộ dân tiếp tục đưa ra đề nghị này thì đại diện Ban GPMB quận Đống Đa lại cung cấp bản đồ quy hoạch từ năm 2010.

Theo ông Đoàn, do khu vực đất của 8 hộ dân thuộc diện “dự án chồng dự án” nên các hộ dân muốn xem bản vẽ chi tiết của dự án sẽ lấy đất của họ để biết được chính xác trong số diện tích đất dự án sẽ thu hồi của họ, có bao nhiêu mét để làm vỉa hè, bao nhiêu mét để làm đường.

“Theo như thông báo đến các gia đình thì hầu hết chúng tôi đều bị lấy sâu vào từ 8 - 10 m. Lấy đất để làm vỉa hè thì có cần thiết phải làm rộng đến như vậy không? Trong khi nếu giữ nguyên mức đất thu hồi như vậy, sẽ không ít hộ dân bị lấy hết đất hoặc phần đất còn lại không thể sử dụng được nữa”, ông Đoàn nói.

122

Điểm cuối khu vựcđất của 8 hộ dân thuộc diện GPMB

Lấy đất dân làm quỹ đất dự phòng

Để làm rõ những thắc mắc của các hộ dân, ngày 4/2, PV đã có buổi làm việc với ông Trương Thế Khôi, Phó Ban Bồi thường GPMB quận Đống Đa. Ông Khôi cho rằng, diện tích đất thu hồi như chủ đầu tư thông báo đến các hộ dân là chủ trương theo quy hoạch và theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. “Nó rộng hay hẹp thì thành phố đã tính. Đây là quy hoạch tổng thể toàn thành phố chứ không phải chỉ với riêng dự án này. Đương nhiên bây giờ thu hồi có thể chênh ra 2 - 3 m, nhưng nếu mấy năm sau đường chật lại xén bớt tiếp à? Có thể người ta lấy 8 m nhưng sau thấy vỉa hè 8 m là bất hợp lý, người ta rút lại thành 5 m, hoặc 3 m cũng là chuyện bình thường”, ông Khôi nói.

Trước câu hỏi của PV về việc tại sao không tính toán đến phương án thu hồi đất sao cho Nhà nước tiết kiệm được ngân sách đền bù, trong khi người dân cũng đỡ bị thiệt thòi vì mất nhiều đất thì ông Khôi cho hay: “Từ trước đến nay mọi người đều nghĩ thế, nên bây giờ mới tiếp tục phải mở (mở rộng đường - PV). Vì giao thông nước mình không có quỹ đất dự phòng. Cơ sở hạ tầng lúc nào cũng tăng, còn tầm nhìn của mình chỉ 5-10 năm chứ không được 15-20 năm. Nút giao thông này là ngã tư, là nút giao thông lớn, lưu lượng giao thông đông nên cần mở rộng”.

Về quyết định phê duyệt dự án Xây dựng hoàn thiện tuyến đường nối từ nút giao hầm Kim Liên đến tuyến đường Kim Liên mới mà các hộ dân cho rằng đã hết thời hạn hiệu lực do trong quyết định thể hiện rõ thời gian và kế hoạch thực hiện dự án là năm 2010, ông Khôi khẳng định: “Quyết định này vẫn còn nguyên giá trị và các văn bản về việc thu hồi đất hay phê duyệt phương án đền bù, GPMB mà UBND quận Đống Đa ban hành có dẫn giải căn cứ theo Quyết định số 1913 là đúng luật và có giá trị pháp lý. Cũng theo ông Khôi, theo chủ trương ban đầu của dự án thì phần diện tích đất thu hồi phục vụ dự án rộng hơn, lấy đất đến tới 20 hộ. Nhưng sau đó các hộ dân đều có đơn nên chúng tôi đã xin chủ trương thành phố cho mở theo giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu, số hộ dân nằm trong diện thu hồi đất ít hơn chủ trương ban đầu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.