Cung cấp điện, nước chỉ là giao dịch dân sự
Sáng nay (18/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).
Góp ý vào Dự án, nhiều đại biểu băn khoăn, không đồng tình đưa việc ngừng dịch vụ điện, nước là một biện pháp xử phạt vào Dự thảo Luật vì cho rằng đây chỉ là giao dịch dân sự; một số đại biểu đề nghị nếu đưa thì chỉ coi đây là biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp cưỡng chế và cũng chỉ áp dụng với một số lĩnh vực đặc thù như xây dựng.
Đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) cho rằng, dịch vụ cung cấp điện, nước là thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Việc ngừng cung cấp hoặc chấm dứt việc cung cấp điện, nước phải tuân theo hợp đồng được ký kết giữa các bên tham gia như một bên tự ngừng hợp đồng do vi phạm phía bên kia hoặc tình thế bất khả kháng.
"Chúng ta không nên hành chính hóa quan hệ dân sự này. Điện, nước không phải là tang vật, phương tiện được sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính nên không thể là công cụ, phương tiện cưỡng chế được", đại biểu Thế nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho hay, theo Luật Xử lý VPHC hiện hành có đến 22 biện pháp để Nhà nước áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC và đình chỉ vi phạm. Ngoài ra, khoản 1 Điều 76 quy định người nào chậm nộp phạt thì mỗi ngày thêm 0,5 lần tiền phạt nữa.
“Chúng ta có cả một bộ máy lớn, đào tạo bài bản, thế mà chúng ta có 23 biện pháp rồi, giờ lại phải thêm nữa, tôi cho rằng không đúng”, đại biểu Cầu nói.
Theo đại biểu, việc đưa biện pháp này vào trong Luật thực ra là vì đây là biện pháp dễ thực hiện nhất, người có thẩm quyền chỉ cần ra lệnh cho cơ quan điện, nước là được ngay và hậu quả để lại vô cùng lớn. Đại biểu Cầu dẫn ví dụ: “Một trại lợn ở Nghệ An hơn 3000-4000 con lợn, họ vi phạm môi trường, người ta bảo họ chưa xử lý xong nên cắt điện, nước thì trại đó như thế nào? Cung cấp điện, nước là hợp đồng dân sự, chúng ta lấy quyền lực hành chính Nhà nước để can thiệp vào hoạt động dân sự của đời sống bình thường của người dân, của xã hội là không nên.”
Không nên đưa trẻ nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng
Về biện pháp xử lý hành chính đối với người đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng chất ma túy và nghiện ma túy, đa số đại biểu không đồng tình với biện pháp đưa đối tượng này vào trường giáo dưỡng; có đại biểu đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có đại biểu đề nghị giáo dục, cai nghiện tại gia đình, địa phương…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt. Nếu đưa các đối tượng này vào trường giáo dưỡng, có nghĩa là tước mất quyền được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt. Còn xét về khoa học giáo dục, biện pháp hình phạt chỉ phù hợp với người trưởng thành.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng, trường giáo dưỡng chỉ dành cho lứa tuổi vị thành niên phạm tội cố ý và vô ý nhưng chưa thấy cần thiết phải xử lý hình sự. Trẻ em đưa vào trường thường là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, nhận thức lệch lạc nên mục đích vào trường là nhằm giáo dục, trang bị kiến thức, văn hóa, tạo môi trường sinh hoạt, lao động, học nghề cho các em.
Còn trẻ em nghiện ma túy buộc phải có sự chữa trị hợp lý. Trong khi đó, chức năng chính của trường giáo dưỡng là quản lý học tập, học nghề, không có chức năng chữa bệnh, thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy.
“Trẻ em là đối tượng cần được Nhà nước đặt biệt quan tâm, bảo vệ. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi còn nhiều thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, nhận thức và tình cảm, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng để hình thành nên thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, nếu đưa trẻ sử dụng ma túy, nghiện ma túy vào chung với trẻ có dấu hiệu phạm tội sẽ không phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý các em và vô hình trung tạo ra các hành vi vi phạm sau này”, đại biểu Chính nói.
Đề xuất phạt lao động công ích khi vi phạm hành chính
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định hình thức phạt lao động công ích vào dự thảo Luật. Đại biểu Hoa cho rằng việc áp dụng hình thức xử phạt này tác động trực tiếp tới những người vi phạm vì hình thức lao động là Không thể thay thế được của người lao động còn tiền bạc hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí vay mượn để nộp phạt.
Bên cạnh đó, hình thức này giúp việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật. Đồng thời, qua đó người vi phạm nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với cộng đồng và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Hoa đề nghị khi bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích, thì phải có cơ chế giám sát rõ ràng và quy định rõ lao động công ích thì lao động những việc gì, thời gian lao động công ích là bao lâu, và phải có cơ chế bảo vệ người vi phạm nhằm tránh nguy cơ lạm dụng hình thức lao động công ích để xâm hại quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận