Thế giới khâm phục tinh thần, sức mạnh Việt Nam
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một vị tướng đã kinh qua trận mạc, chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của đất nước và về sau là chuyên gia đối ngoại quốc phòng, cảm xúc trong ông thế nào?
Thực sự mỗi dịp đến ngày kỷ niệm, tôi rất xúc động. Ký ức trận mạc, thời khắc lịch sử chưa khi nào phai mờ trong tâm trí, lúc nào cũng vẹn nguyên.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra trang lịch sử vẻ vang cho cả dân tộc, đúng theo ý nguyện của đồng bào cả nước và ý nguyện của Bác Hồ: “Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Và đó mãi là niềm tự hào, thôi thúc mỗi con người Việt Nam phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Nhìn lại đại thắng mùa Xuân năm 1975, sự kiện đã khiến thế giới kinh ngạc, vị thế Việt Nam lúc đó trên trường quốc tế như thế nào, thưa ông?
Dù chỉ là một quốc gia bé nhỏ nhưng dân tộc ta thường xuyên phải đối mặt và đánh thắng giặc ngoại xâm, đặc biệt là ở thời đại Hồ Chí Minh. Chính đại thắng mùa Xuân năm 1975 khiến thế giới phải khâm phục về sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta.
Lúc ấy, theo dõi trên Đài Tiếng nói của quân Giải phóng, thế giới rất bất ngờ tại sao Việt Nam nhỏ bé mà lại thực hiện một chiến dịch lớn, tổng hợp được sức mạnh của dân tộc và sử dụng nghệ thuật quân sự, đánh thẳng mục tiêu chính, đập tan chế độ Mỹ ngụy và giải phóng miền Nam thần tốc như vậy.
Năm 1977, tôi là Anh hùng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, được đi trong đoàn của Hội Hữu nghị Việt Nam để cảm ơn Liên Xô, các nước XHCN, các nước độc lập dân tộc đã giúp Việt Nam đánh thắng Mỹ.
Đây là lần đầu tiên tôi xuất ngoại, đến tất cả các nước như: Nga, Nam Tư, Ấn Độ, các nước ở Đông Âu… Đi đến đâu, người dân đều cầm cờ hoa vẫy chào đoàn đại biểu Việt Nam, hô vang: Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!
Vị thế tăng vượt bậc
Là một người từng có nhiều năm làm công tác đối ngoại quốc phòng và hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, ông nhận định như thế nào về vị thế của Việt Nam ngày hôm nay?
Tôi đã có hơn 10 năm làm công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, đi 67 nước trên thế giới. Đến bây giờ, có thể khẳng định, Việt Nam được các nước trên thế giới, kể cả các nước thù địch trước kia khâm phục về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Sau 48 năm, vị thế của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Chúng ta đã mở rộng quan hệ với tất cả các nước.
Trước đây, chúng ta chỉ quan hệ với các nước thuộc XHCN thì nay Việt Nam làm bạn, là đối tác của 191 quốc gia trên thế giới, kể cả các nước là cựu thù.
Tất cả các mặt kinh tế, đối ngoại, khoa học kỹ thuật, công nghệ đều ở tầm cao mới. Chính sự hội nhập và đường lối đối ngoại độc lập đã mở ra chương mới cho chúng ta.
Trong bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy của các nước và vì lợi ích chung của cả 2 phía. Việt Nam quyết không chọn phe. Dù còn một số khác biệt nhưng chúng ta vẫn được các nước tin cậy.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, theo ông, những bài học nào sẽ giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững, sớm hóa rồng?
Có thể nói, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học lớn nhất. Trước hết, đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Đảng, đây là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cho đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Bên cạnh đó là phát huy vai trò của mặt trận đoàn kết trong vận động, tập hợp lực lượng, tạo cơ sở vững chắc cho củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tiến hành công tác vận động quần chúng…
Và với đường lối đối ngoại hiện nay tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, chúng ta sẽ hoàn thành được sứ mệnh lịch sử đã được giao phó.
Hạ tầng giao thông sẽ quyết định nhiều điều
Người dân Sài Gòn ùa ra đón đoàn quân Giải phóng
Trong chiến tranh, giao thông luôn đi trước mở đường, góp phần quan trọng làm nên những chiến thắng vang dội. Còn ngày nay, theo ông, hạ tầng có ý nghĩa thế nào đối với sự nghiệp phát triển đất nước?
Dù ở Việt Nam hay trên thế giới, để phát triển đất nước phồn vinh, việc phát triển hạ tầng giao thông rất quan trọng.
Khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam đầu tư, họ cũng phải đánh giá hạ tầng giao thông, khả năng kết nối của giao thông đến đâu. Hạ tầng giao thông, theo tôi, sẽ quyết định sự phát triển kinh tế cũng như quốc phòng an ninh.
Dù đã về hưu nhưng lịch làm việc của ông vẫn dày đặc. Ông có thể chia sẻ thêm về công việc hàng ngày và động lực nào để một người đã ở tuổi 77 vẫn miệt mài làm việc, nghiên cứu như vậy?
Trong chiến tranh hay khi hòa bình lập tại, công tác ở Bộ Quốc phòng, tôi luôn dành toàn tâm, toàn ý phụng sự cho đất nước. Năm 2010, tôi được trao bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga.
Từ năm 2010 đến nay, tôi tiếp tục cống hiến cho khoa học quân sự với mục tiêu cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia nghiên cứu về tác chiến điện tử, chiến tranh sinh học, chiến tranh vũ trụ trong tương lai.
Chiến tranh truyền thống đã qua rồi, bây giờ chúng ta phải nghiên cứu những cái mới để bổ sung cho học thuyết quốc phòng Việt Nam cũng như bổ sung cho nền khoa học quân sự Việt Nam và trên thế giới.
Với con cháu của mình, rộng hơn là thế hệ trẻ ngày nay, nếu muốn nhắn nhủ để truyền cảm hứng cho họ, ông sẽ nói điều gì?
Tôi thường xuyên chia sẻ các kiến thức của mình, chỉ mong các thế hệ sau có thể vận dụng sáng tạo để xử lý vấn đề mới phát sinh.
Ví dụ đơn giản, thời gian tôi tham gia làm Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, tôi đã đề xuất phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để đối phó với thiên tai. Phương châm này xuất phát từ khi đánh Mỹ chứ đâu.
Nhưng khi chúng ta biết cách áp dụng linh hoạt cũng có thể dùng để đối phó với nhiều vấn đề lớn nảy sinh. Vừa rồi, phương châm này cũng được áp dụng vào chống dịch Covid-19 và nhiều lĩnh vực khác.
Điều mà tôi luôn răn dạy các con, cháu chính là phải đọc sách. Và không chỉ nói suông, cả tôi cùng vợ đều là những người ham đọc.
Muốn dạy con điều gì, hãy hành động trước để các con thấy. Vì vậy, hiện nay, các con, cháu tôi cũng đều là những người yêu thích đọc sách, tìm hiểu, học hỏi.
Cảm ơn ông!
Thượng tướng – Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sinh ngày 27/7/1947.
Năm 17 tuổi ông đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ; 26 tuổi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã trải qua 67 trận chiến, gắn liền với những bước ngoặt của đất nước.
Đến nay, ông đã viết 9 cuốn sách như: Một thời Quảng Trị, Một số vấn đề về nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận