Nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM chậm tiến độ, đặc biệt kể từ khi các dự án này được chuyển sang cho “siêu Ban” - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thực hiện. Việc chậm tiến độ của các dự án kéo theo nhiều hệ lụy và vấn nạn ngập nước, kẹt xe chưa biết khi nào mới thôi ám ảnh người dân.
Được “bơm” gần 500 tỷ, chưa biết khi nào hết ngập
Những trận mưa đầu mùa mới bắt đầu, nhưng “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn chịu cảnh bị nhấn chìm mỗi khi mưa lớn. Chiều 20/5, trận mưa kéo dài chưa đầy 30 phút đã khiến nhiều đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh chìm trong nước.
Ngay tại chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hướng từ đường Điện Biên Phủ rẽ phải vào, một phần đoạn đường này bị ngập nửa bánh xe gắn máy. Việc tham gia giao thông tại khu vực này rất khó khăn, nhiều xe bị chết máy do ngập nước, không ít người té ngã.
Bà Nguyễn Thị Lành, một người buôn bán tạp hóa gần đó than thở: “Nạn ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh diễn ra đã nhiều năm, dân sống ở đây rất khổ. Nghe nói mỗi năm thành phố chi 14 tỷ đồng để thuê máy bơm nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Giờ thấy nâng đường, làm cống nhưng không biết thế nào, mong dự án làm nhanh cho dân nhờ”, bà Lành ngao ngán nói.
Từ lâu nay, đường Nguyễn Hữu Cảnh được xem lại “rốn ngập” của TP.HCM. Trước tình cảnh đó, thành phố đã chi 473 tỷ đồng để thực hiện “Dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh” với chiều dài 3.183m, từ ngã tư giao với đường Tôn Đức Thắng đến dạ cầu Sài Gòn, đi qua địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh. Trong đó, khoảng 70 tỷ đồng đầu tư hệ thống thoát nước. Thời gian thi công 14 tháng, đến cuối năm 2020 hoàn thành.
Theo ghi nhận của PV ngày 26/5, việc triển khai thi công các gói thầu trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh của các nhà thầu khá trầm lắng, mặc dù tiến độ đã rất gấp. Trên đường Điện Biên Phủ, liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Đông Sơn triển khai hệ thống thoát nước nhưng tiến độ rất chậm.
Hai rào chắn được khoanh lại đã mấy tháng nay nhưng tiến độ thi công chưa tiến triển nhiều. Các rào chắn án ngữ trên phần đường xe máy, vào giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông. Bảng thông tin dự án tại công trình không ghi cụ thể thời gian hoàn thành.
Từ đường Điện Biên Phủ rẽ phải vào Nguyễn Hữu Cảnh, một rào chắn khác cũng chiếm gần hết phần đường phía sát chân cầu vượt. Vị trí này bị ngập nặng trong trận mưa chiều 20/5. Đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến gần hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh phía bên phải tuyến, Liên danh Công ty TNHH TMDV VT xây dựng giao thông T&T và Công ty CP Xây dựng dịch vụ thương mại 68 đã thảm nhựa mặt đường, đang thi công thảm nhựa bên trái tuyến. Tuy vậy phần vỉa hè vẫn còn ngổn ngang gạch đá.
“Siêu ban” làm chậm hàng loạt công trình
Ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM, nút giao thông An Sương là một điểm đen về ùn tắc và TNGT. Năm 2017, thành phố chi 514 tỷ đồng để xây dựng 2 hầm chui N1 (hướng TP HCM đi Tây Ninh) và N2 (từ Tây Ninh về TP HCM). Mỗi hầm có 2 làn xe gồm 1 làn ô tô và 1 làn xe hỗn hợp.
Trong khi nhánh N1 đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 3/2018, dự kiến tháng 10/2018 sẽ hoàn thành nhánh N2. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự án bị đình trệ.
Ghi nhận ngày 25/5 cho thấy, công trường vẫn còn rất ngổn ngang. Nhánh N2 phía đường Trường Chinh cơ bản hoàn thành phần thô, đường hầm chui đã đào xuyên qua dưới cầu vượt An Sương.
Tuy nhiên, phía hướng QL22 vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một phần nửa đường được rào chắn để thi công hầm chui, tuy nhiên không khí thi không khá vắng lặng.
Vào giờ cao điểm buổi sáng, hàng nghìn phương tiện từ hướng Hóc Môn, quận 12 đổ về trung tâm phải xếp hàng chen nhau qua khu vực này. Vị trí rào chắn nằm trước cổng bến xe An Sương, mỗi lần phương tiện từ trong bến đi ra tạo thành dòng xe ùn tắc, người đi đường phải nhích từng tí một.
Lý giải công trình chậm hơn với kế hoạch, ông Phạm Kim Châu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đạt Phương cho biết, công trình có 5 đơn vị thi công, trong đó phần của Đạt Phương thi công phần hầm nhánh N2. Công trình phải tạm dừng thi công từ tháng 9/2018 đến tháng 2/2020 mới khởi động lại. “Chúng tôi đang quyết tâm đẩy tiến độ để 30/6 thông hầm”, ông Châu nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, Ban đang làm việc với các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, trong tháng 7 sẽ thông hầm và tháng 9 hoàn thành toàn bộ dự án.
Các dự án không đội vốn?
Một trong những dự án quan trọng khác là mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa. Dự án này đã lên kế hoạch từ 2 năm nay nhưng đến nay vẫn “đứng hình”. Ông Nguyễn Vĩnh Ninh thông tin, dự án đã chọn được nhà thầu, theo kế hoạch sẽ khởi công trong quý I. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang vướng giải phóng mặt bằng. Khi nói hỏi về thời điểm nào có thể khởi công được dự án, ông Nguyễn Vĩnh Ninh chỉ nói rằng trong năm 2020 chứ không chốt được thời gian cụ thể.
Tương tự, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến cảng Phú Hữu được xem là “con đường tử thần” bởi mỗi năm xảy ra nhiều vụ TNGT. Riêng năm 2019 có 8 người tử vong vì TNGT khi qua đoạn đường này. Thành phố đã quyết định chi 832,2 tỉ đồng để mở rộng 1,6km đường Nguyễn Duy Trinh từ 7m lên 30m cho 4 làn xe ô tô và 2 làn xe gắn máy lưu thông.
Sở GTVT TP. HCM đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh cuối năm 2019, trong đó chi phí xây lắp là hơn 232,2 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 600 tỉ đồng. Theo dự kiến công trình sẽ khởi công vào năm 2021. Ông Ninh cho biết, hiện Ban đang đo đạc ranh giới giải phóng mặt bằng, sau đó ký hợp đồng với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 thực hiện đền bù chi tiết để kịp khởi công năm tới.
Khi được hỏi việc chậm tiến độ ảnh hưởng thế nào tới nguồn vốn thực hiện, ông Ninh cho rằng, đến nay chi phí xây dựng tại các dự án vẫn không bị đội vốn.
Để tìm hiểu về công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Tân Quỳ - Tân Quý, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND quận Tân Bình và lãnh đạo quận 9 nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Nhanh hay chậm là trách nhiệm của “siêu Ban”
Tại cuộc họp giữa tháng 5 vừa qua, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đã điểm mặt nhiều công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM triển khai tiến độ rất chậm.
Cụ thể là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để giải tỏa ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Sở GTVT yêu cầu Ban phối hợp với quận Tân Bình đẩy nhanh GPMB và giải ngân. Nếu không đáp ứng được kế hoạch phải đề xuất điều chỉnh vốn năm 2020. Đối với đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sở GTVT yêu cầu phải hoàn thành đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm trước 2/9; hệ thống thoát nước trên đường Điện Biên Phủ, Phú Mỹ, hẻm 23 hoàn thành trong tháng 10. Nút giao An Sương cũng được yêu cầu thông xe 15/7, hoàn thành toàn bộ dự án trước 2/9.
Với dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sở GTVT đề nghị Ban làm rõ nguyên nhân vì sao phát sinh 23 tỷ đồng, trách nhiệm của đơn vị nào. Với dự án cầu tạm An Phú Đông nối quận Gò Vấp và quận 12, Sở GTVT đề nghị rà soát lại năng lực đơn vị thi công có đúng với hồ sơ mời thầu không. Dự án đã khởi công đầu tháng 2/2020, Sở GTVT đề nghị hoàn thành cuối tháng 9 như kế hoạch.
Ông Trần Quang Lâm cho biết, hiện tại các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đã chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP thực hiện. Tiến độ nhanh hay chậm, chất lượng ra sao thuộc trách nhiệm của Ban.
Ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM):
Công trình trọng điểm chậm ảnh hưởng đến ATGT
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, hiện TP HCM có 2 vị trí điểm đen nguy hiểm là ngã tư An Sương, quận 12 và đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9. Việc chậm tiến độ nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh ảnh hưởng phần nào đến tình hình ATGT tại khu vực.
Theo ông Tường, các sở ngành, địa phương cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giải phóng mặt bằng. Trong khi chờ nâng cấp mở rộng đường, để giảm TNGT, giải pháp trước mắt, địa phương và Sở GTVT cần phối hợp rà soát kiểm tra hiện có những bất cập gì như biển báo, đèn tín hiệu, dải phân cách, hố ga chưa an toàn để khắc phục. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử phạt những xe vi phạm quá tốc độ, quá tải; Tuyên truyền cho người dân qua lại khu vực trên lưu thông an toàn, chấp hành nghiêm túc Luật GTĐB.
Phan Tư - Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận