Đằng sau những mái nhà chọc trời, những công trình kiến trúc vĩ đại, lớn nhất thế giới của Trung Quốc là công lao của hàng triệu lao động tỉnh lẻ đến từ nhiều miền quê nghèo khó. Họ bỏ lại gia đình, mẹ già, con nhỏ và quê hương để ôm mộng đổi đời trên thành phố nhưng chỉ sau vài tháng, phần lớn những hy vọng màu hồng của họ phủ kín bằng gam màu xám xịt.
Hạnh phúc là gì?
Khi Liu Yanchang bỏ việc tại nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, bắt chuyến xe buýt hành trình 4 tiếng tới Bắc Kinh làm nhân viên chuyển phát nhanh, Liu chính thức bước chân ra khỏi luỹ tre làng, bắt đầu hành trình dài nhất kể từ khi anh vừa tròn 18 tuổi.
Công việc chuyển phát là một phần trong ngành công nghiệp thương mại điện tử đang nở rộ tại Trung Quốc, mang đến cho chàng trai trẻ nhiều tiền hơn công việc ở quê nhà. Anh hy vọng sẽ học thêm tiếng Anh và một ngày nào đó được đi ra nước ngoài. Với giấc mơ đó, chàng trai 18 tuổi vô cùng hạnh phúc.
Nhưng chỉ sau vài tháng, sự lạc quan của chàng thanh niên Hồ Bắc đã bị dập tắt. Việc phải cặm cụi làm 10 giờ/ngày trong cả tuần với nhiệm vụ chuyển hàng hoá mà khách đặt qua mạng tới khắp Thủ đô Bắc Kinh đã khiến anh kiệt quệ. Cô đơn trong căn phòng nhỏ đi thuê, Liu chia sẻ, sự nhiệt tình thuở ban đầu khi lên Bắc Kinh dường như đã lùi vào dĩ vãng.
Câu chuyện của Liu là điển hình của 228 triệu người di cư từ tỉnh lẻ tới các thành phố lớn của Trung Quốc làm việc. Chính phủ Trung Quốc luôn tự hào, sự ổn định của đất nước là phép màu mà nền kinh tế nước này mang lại. Nhưng, đó chỉ là một phần trong câu chuyện còn dang dở.
Theo The Atlantics, chính sách cải cách kinh tế của chính phủ chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của hàng triệu người dân nhưng lại thiếu đi sự quan tâm về những thất vọng, cảm nhận thiếu hạnh phúc của những người dân tỉnh lẻ xa quê đi làm thuê giống như Liu cùng hàng triệu người khác.
Báo cáo về Chỉ số Hạnh phúc của tổ chức Liên hợp quốc cho thấy, những người di cư vào các thành phố lớn Trung Quốc ít hạnh phúc hơn những người sống ở quê nhà. Song lý tưởng đi làm xa quê để tìm kiếm thành công vẫn rất lớn.
Người nhập cư thường là đối tượng dễ bị tổn thương trước những diễn biến tại đô thị và một vấn nạn đang nhức nhối hiện nay chính là khói bụi. Bắc Kinh là thành phố nổi tiếng về ô nhiễm không khí nhưng thủ phạm tồi tệ nhất lại là những thành phố ít được biết đến ở các khu trung tâm công nghiệp.
Baoding, thành phố tại tỉnh Hồ Bắc của Liu có mức ô nhiễm trung bình cao hơn 7,5 lần giới hạn mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị. Đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời tại các khu công nghiệp như xây dựng và dịch vụ hậu cần/logistics thì việc tránh né môi trường độc hại là không thể.
Với các nhân viên văn phòng tại Bắc Kinh và những nơi khác tại Trung Quốc, vấn đề này được giải quyết nhanh chóng bằng cách mua máy lọc không khí lắp ở nhà hay văn phòng.
Nhưng chi phí có thể lên tới 100USD, tương đương 1/5 mức lương hàng tháng trung bình của người lao động tỉnh lẻ. Ngoài chi phí ăn uống hàng ngày, tiền gửi về gia đình, người di cư còn phải xoay xở tiền nhà đất.
Ở một số thành phố lớn khu vực bờ biển phía Đông Trung Quốc, các lao động này phải chi trung bình 150USD/tháng tiền thuê nhà cho một căn phòng rộng chưa đầy 16m2 với bếp, phòng tắm chung. Do đó, để chi 1 phần lương để mua máy lọc không khí với họ là điều không tưởng.
Bỏ lại con cái và cha mẹ già ở quê để lên thành phố sống trong tình cảnh đó, “thử hỏi chúng tôi lấy đâu ra hạnh phúc?”, anh Zhu Shengwei, một người di cư tỉnh lẻ xa nhà lên TP Tây An để làm việc từ năm 2003 nói.
Đổi tính mạng lấy tiền
Không chỉ vậy, một số công việc thường xuyên phải tiếp xúc với bụi khói độc hại tại các công trường xây dựng, khu khai thác mỏ… người lao động ngoại tỉnh không được bảo vệ an toàn lao động, dẫn đến rất nhiều công nhân gặp phải bệnh hiểm nghèo, điển hình là các chứng bệnh về phổi.
Bụi silic nhiễm vào phổi là một dạng bệnh phổi không thể chữa được, vì hít phải bụi silic trong không khí suốt thời gian dài. Người lao động ngoại tỉnh thường được tuyển làm công nhân vận hành máy khoan khí nén với nhiệm vụ khoan lỗ sâu xuống đá granit cứng để dựng nền móng với mức lương ngày từ 200-300 nhân dân tệ, cao gấp 3 lần so với các công việc xây dựng khác.
Với mức lương đó, hầu như tất cả các công nhân ngoại tỉnh lên thành phố (khoảng 287 triệu người trên toàn Trung Quốc) đều ham thích. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhân công từ Hồ Nam ùn ùn đổ về các thành phố như Thâm Quyến để làm nghề khoan đục kiếm tiền “nóng” nhưng chỉ đến đầu những năm 2000, rất nhiều người trong số họ đổ bệnh và qua đời.
Love Save Pneumoconiosis, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, bụi phổi là căn bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất tại Trung Quốc (ước tính hơn 6 triệu người di cư mắc phải) thường được tìm thấy tại những công nhân mỏ than, ở đủ các giai đoạn bệnh.
Dữ liệu từ Bộ Y tế Trung Quốc cho thấy, bệnh bụi phổi chiếm 22.701 trong số 26.756 trường hợp mới mắc bệnh nghề nghiệp được ghi nhận kể từ năm 2017. Căn bệnh này là nguyên nhân gây ra cái chết của 46.000 người trên toàn thế giới vào năm 2013, theo Nghiên cứu Gánh nặng toàn cầu về bệnh tật do Viện Nghiên cứu về Y tế tại Seattle, Washington, Mỹ.
Đã có hàng trăm lao động nộp đơn lên chính quyền Thâm Quyến đòi bồi thường thiệt hại về sức khoẻ mà họ phải chịu đựng do chính quyền địa phương thiếu quy định về bảo hộ lao động. Song, hầu hết họ đều không nhận được câu trả lời thích đáng.
Ông Wang Zhaogang, 52 tuổi, đến từ tỉnh Hồ Nam, là một trong những trường hợp như vậy. Chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam, ông Wang với thân hình gầy guộc da bọc xương, hơi thở nặng nhọc kể: Ông biết mình mắc bệnh hiểm nghèo từ tháng 5/2017 với chuẩn đoán của bác sĩ là bệnh bụi phổi giai đoạn cuối do hít quá nhiều bụi silic trong quá trình làm việc.
Chỉ vài năm, ông sụt 15kg, hiện chỉ còn 40kg, những ngày còn sống không đáng là bao. Song, thay vì âm thầm chấp nhận số phận, ông nộp đơn lên chính quyền Thâm Quyến để đòi bồi thường.
Dù sức lực đang cạn dần từng ngày nhưng ông vẫn một mình từ quê ra Thẩm Quyến 5 lần trong năm 2018 để kêu gọi chính phủ công nhận và giúp đỡ những công nhân như ông song vẫn chưa thấy hồi âm.
Ngửa mặt lên trời, nhìn những toà nhà cao chót vót của thành phố - những thành tựu mà ông đã góp công sức vào quá trình xây dựng từ năm 2004 đến nay, ông Wang nói: “Chúng tôi bị đối xử như những con kiến… chứ không phải con người. Tôi đã bán cả cuộc đời mình cho Thâm Quyến. Nếu biết trước sự nguy hiểm của công việc khoan đục, tôi đã không bao giờ làm cho dù nghèo đến đâu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận