Làm báo cùng Giao thông

Danh hiệu không ai muốn nhận và suối tóc để lại tuổi thanh xuân

27/07/2018, 07:55

Có những hy sinh không có người làm chứng, không có gì giám định...

13

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam - Ảnh: Xuân Khánh

Hôm nay là ngày 27/7 - ngày Thương binh liệt sỹ, ngày thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ quốc.

Nhưng trong ngày này, tôi lại nghĩ nhiều hơn về những người phụ nữ mà trong số họ, có những sự hy sinh không có gì giám định, không có ai làm chứng, không một tờ giấy chứng nhận, nó chỉ giằng xé và âm ỉ trong lòng, đôi khi lại rỉ máu…

Từ danh hiệu không ai muốn nhận…

Cách đây vài năm, có một câu chuyện đầy xúc cảm khi ở một địa phương người ta băn khoăn việc đề nghị tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho một người mẹ, chỉ bởi vì mẹ đã tái giá, đã đi bước nữa.

Mẹ, một người đã mất chồng và con trai trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Mẹ xứng đáng được sống hạnh phúc và đã có một người sẵn lòng yêu thương, ở bên trong suốt quãng đời còn lại. Mẹ có cần đâu danh hiệu ấy. Điều người phụ nữ ấy cần là những người thân yêu nhất trở về - nhưng họ đã không thể. Phải chăng Mẹ phải sống một mình, sống cô đơn trong nghèo khó thì mới xứng đáng được nhận danh hiệu. Phải chăng việc Mẹ được một người đàn ông khác yêu thương lại là tội lỗi?

Và cuối cùng, các cơ quan chức năng đã có một quyết định đúng đắn: Người Mẹ ấy đã được trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Danh hiệu mà khi sinh ra những người con, không một người mẹ nào mong muốn được nhận. Hẳn nhiều người chúng ta sẽ nhói đau, vì sao có đôi khi, lại có những suy nghĩ cho rằng, những người phụ nữ chịu nhiều mất mát như vậy không xứng đáng với danh hiệu ấy chỉ vì đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình…

Và còn có biết bao nhiêu người phụ nữ bước qua chiến tranh đã không có cơ hội và không thể trở thành một người vợ, người mẹ…

Tới câu chuyện suối tóc…

Đó là câu chuyện thực của một vị lãnh đạo lão thành ngành GTVT kể cho chúng tôi nghe khi về thăm đơn vị của ông, một đơn vị xây dựng công trình giao thông nổi tiếng. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đây là một đơn vị thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn.

Đơn vị của ông toàn các chị em nữ tuổi mười tám, đôi mươi. Trong số họ chưa ai có người yêu. Cuộc sống gian khổ trong rừng thiêng nước độc, thiếu thốn trăm bề, nhất là những vật dụng tối thiểu dành cho một người phụ nữ. Những trận sốt rét rừng, những bộ quần áo ướt đẫm nước mưa, mồ hôi phơi chưa khô đã phải mặc lại… đã hủy hoại làn da, mái tóc của các chị. Mỗi khi gội đầu, các chị đau đớn nhìn những mái tóc dài, mượt tới ngang vai của mình rụng xuống suối từng mảng mà không cách gì giữ lại được. Dòng nước dường như đã cuốn đi cả vẻ đẹp và tuổi thanh xuân của họ.

Sau ngày chiến thắng, nhiều chị quá lứa lỡ thì đã không thể có gia đình. Một số chị may mắn hơn, có được người quan tâm và yêu thương. Nhưng những tháng ngày ở trong rừng thiêng, nước độc, vất vả thiếu thốn đã khiến nhiều chị khi lập gia đình đã vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ. Những sự hy sinh của các chị không có gì giám định, không có ai làm chứng, không một tờ giấy chứng nhận, nó chỉ giằng xé và âm ỉ trong lòng mỗi con người, đôi khi lại rỉ máu…

Sau ngày giải phóng, người cán bộ đưa cháu gái mình trở lại thăm chiến trường xưa, thăm lại dòng suối nơi đơn vị ông từng đóng quân. Ông lặng người đứng nhìn xuống những rễ cây và tảng đá dưới suối. Những mái tóc dài của đồng đội ông vẫn vương dưới đó, chảy theo dòng nước như những suối tóc. “Ông ơi, ngày hôm nay cháu đã hiểu thế nào là suối tóc, cháu thương các cô quá…”, cô cháu gái nói. “Đó là suối tóc đồng đội của ông đấy”… người cán bộ già nói trong nghẹn ngào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.