Xã hội

Đánh thuế tài sản không rõ nguồn gốc: Luật không thể hồi tố

31/05/2018, 12:56

Có rất nhiều loại tài sản từ trước không quy định phải đánh thuế, vậy tại sao giờ lại bị xử lý?

danh-thue-tai-san-khong-ro-nguon-goc

ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề: Có rất nhiều loại tài sản từ trước không quy định phải công khai đánh thuế vậy tại sao bây giờ lại bị xử lý?

Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi đề xuất xử lý đánh thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45% đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thu nhập tăng, trong khi chưa có căn cứ xác định do phạm tội. Quy định này đã khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn về cơ sở pháp lý và tính khả thi khi thực hiện.

Cụ thể, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 31/5, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định: Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là một vấn đề rất khó: “Tôi suy nghĩ và băn khoăn rất nhiều về câu chuyện đánh thuế tài sản không rõ nguồn gốc. Phải đặt lên bàn về cơ sở pháp lý, thẩm quyền đánh thuế, loại tài sản đánh thuế… mới thấy được hết sự phức tạp của nó”.

Theo ông Nhưỡng, người dân Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung có thói quen tích lũy tài sản qua nhiều đời và thế hệ và có thói quen giữ bí mật với làng nước. Có những gia đình đến khi người chết rồi mới phát hiện họ có rất nhiều tài sản.

“Có những loại tài sản rất đặc biệt, không rõ nguồn gốc nhưng cũng không bất hợp pháp; từ trước tới nay pháp luật không quy định phải đánh thuế vậy mà bây giờ lại bị đánh thuế chẳng khác nào tự nhiên “quả bom xuống giữa khu dân cư”, đại biểu Bến Tre dẫn giải.

Cho rằng đánh thuế tài sản không rõ nguồn gốc là không hợp lý, ông Nhưỡng phân tích: “Đối với tài sản không rõ nguồn gốc, chừng nào nhà nước chứng minh được đó là tài sản tham nhũng, bất hợp pháp thì hãy xử lý. Còn nếu không, cần phải chấp nhận theo điều 32 của Hiến pháp, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất…

Cũng theo vị đại biểu này, nếu áp dụng biện pháp đánh thuế tài sản không rõ nguồn gốc thì phải lưu ý tới thời hạn trước và sau khi Luật PCTN sửa đổi có hiệu lực. “Chỉ nên tính tài sản tăng thêm từ khi Luật có hiệu lực. Luật không hồi tố”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng nhận định: Người dân nước ta, trong đó có cả cán bộ công chức, có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình. Tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản...

“Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. Về mặt pháp lý, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự”, bà Nga nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: "Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.