“Huyền thoại Gò Rồng Ấp” là kịch bản sân khấu được PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phóng tác dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý, một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Vở kịch sẽ được sân khấu Lệ Ngọc thực hiện và do NSƯT Triệu Trung Kiên “cầm trịch” vai trò đạo diễn. Đây có thể coi là một thách thức với đạo diễn Triệu Trung Kiên bởi anh vốn là đạo diễn của cải lương. Đây là lần đầu tiên, nam đạo diễn dàn dựng một vở kịch nói.
Trong buổi khởi công vở diễn, nghệ sĩ Triệu Trung Kiên thừa nhận anh rất lo lắng cho dự án lần này. Anh tự trấn an mình và cố gắng. Khi được nhận kịch bản này, anh biết vở diễn là của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, anh muốn thầy của mình là NSND Lê Hùng sẽ dàn dựng. "Tôi nghĩ sân khấu kịch nói Việt Nam không có lý gì không tiếp thu những giá trị của sân khấu truyền thống. Trong vở diễn này về đề tài lịch sử mang nhiều yếu tố dân gian và huyền thoại thì sẽ là thuận lợi cho mình khi dàn dựng", anh tâm sự.
Nội dung vở diễn xoay quanh Phạm Thị Ngà - người con gái ở xóm Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì. Thị Ngà mồ côi cha mẹ, được anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ hai ông bà đến táng ở Gò Rồng Ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng. Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, và vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.
Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm kỷ dậu, tức là ba mươi sáu năm sau đó, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, nối quốc thống vững bền, đó chính là triều Lý. Gò Rồng Ấp, chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn…” điềm báo ấy ứng vào bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà. Trải qua nhiều sóng gió, Thị Ngà sau đó đã sinh ra bé trai và đứa bé đó sau này lớn lên đã trở thành vị Hoàng Đế khai quốc của triều Lý – người đã tạo dựng nên kinh đô Thăng Long nghìn năm rạng rỡ.
Đảm nhận vai chính - Thị Ngà sẽ là NSND Lệ Ngọc. Nữ nghệ sĩ gần 60 tuổi sẽ hóa thân thành người phụ nữ mới ngoài đôi mươi. NSND Lệ Ngọc chia sẻ, bản thân chị muốn tìm những thử thách mới. “Người trẻ trong vở này sẽ đóng người già và ngược lại. Chúng tôi sẽ có cơ hội thay đổi và làm mới mình. Lần này tôi đóng vai người quét chùa, hiền lành”, nữ nghệ sĩ trải lòng.
Được biết, vở diễn sẽ được xây dựng trên cơ sở kết hợp hai phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện, sử dụng thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Đông để tạo nên không gian đậm chất huyền thoại, cổ tích. Đảm nhận vai trò thiết kế phục trang lần này là công ty Ỷ Vân Hiên.
Anh Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên cho hay, trang phục sân khấu sẽ có ngôn ngữ riêng. Tính chất của trang phục sân khấu không đặt vấn để sát sườn với thời kỳ mà cần sự rực rỡ, bắt mắt, phù hợp với kịch bản và tính cách của nhân vật, vai trò của nhân vật. Anh Lộc khẳng định: “Chúng tôi có một nhóm nghiên cứu rất kỹ tư liệu lịch sử, học thuật về kiểu dáng trang phục, hoa văn, kiểu dáng thời Lý để dựa vào đó có sáng tạo của riêng mình, rồi đưa lên sân khấu cho phù hợp nhất”.
Vở diễn sẽ được dàn dựng trong khoảng 1 tháng và sau khi ra mắt, Huyền thoại Gò Rồng Ấp sẽ được đưa đi tham gia Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2019, tháng 9/2019 ở Nam Ninh - Trung Quốc. Đồng thời, vở có khả năng sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm. Đặc biệt, sân khấu Lệ Ngọc cũng có mục tiêu đưa “huyền thoại Gò Rồng Ấp” đi chinh phục khán giả châu Âu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận