Y tế

Dấu hiệu trẻ biến chứng não khi mắc Tay – Chân – Miệng cha mẹ cần chú ý

01/09/2019, 09:35

Tay - Chân - Miệng là bệnh lành tính, nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu bệnh trở nặng, cha mẹ cần cho trẻ nhập viện, tránh biến chứng đáng tiếc.

img
Tay - Chân - Miệng là bệnh lành tính, nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu bệnh trở nặng, cha mẹ cần cho trẻ nhập viện, tránh biến chứng đáng tiếc.

Bệnh Tay - Chân - Miệng vào mùa, cần lưu ý gì?

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, bệnh Tay – Chân – Miệng bắt đầu vào mùa, đã có trẻ độ nặng nhập viện. Mặc dù bệnh lành tính, nhưng có một số dấu hiệu bệnh trở nặng cha me cần lưu ý để theo dõi và cho trẻ nhập viện kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc.

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là khi: Trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, khóc, nói đau miệng. Sốt 1, 2 bữa sau hết sốt nỗi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng. “Nên cho trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán bệnh kịp thời”, BS. Khanh nhắn nhủ.

Dấu hiệu bệnh trở nặng ở trẻ: Là khi trẻ sốt hơn 2 ngày; Sốt từ 39 độ hơn, uống thuốc khó hạ và nôn ói hay muốn ói.

BS Khanh nhấn mạnh: “Có một dấu hiệu mà cha mẹ ít để ý nhưng nó chỉ ra rằng bệnh bắt đầu biến chứng ở trẻ, đó là trẻ giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ. Và trẻ không đi vững, tay chân yếu, người run. Hoặc trẻ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh. Cha mẹ cần ngày lập tức đưa con đến viện cấp cứu”.

Biến chứng của bệnh Tay – Chân – Miệng rất nguy hại cho trẻ, ví như biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não hay biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch...

Theo BS. Khanh để phòng bệnh Tay – Chân – Miệng cho trẻ cần lưu ý, cho trẻ rửa tay trước khi vào lớp, trước khi về nhà, khi về tới nhà. Người lớn cũng cần rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, trước khi chế biến thức ăn, nhất là mới đi ra ngoài về. Khi thấy trẻ mắc bệnh Tay – Chân – Miệng cần báo cô giáo để phòng cho mấy bé khác; cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày; Ra phường xin thuốc sát trùng sàn nhà, đồ chơi. Và vệ sinh nơi bé sinh hoạt, đồ chơi...

“Mẹo” chăm sóc trẻ mắc Tay – Chân – Miệng

BS. Khanh chỉ 5 mẹo chăm trẻ khi mắc bệnh:

1. Nổi mụn nước nhiều quá:
- Trẻ nổi càng nhiều mụn làm phụ huynh lo nhưng thường nổi nhiều lại nhẹ hơn nổi ít.
- Không cần bôi thuốc xanh, vì không có tác dụng mà còn làm bác sĩ nhìn không biết mụn nước do gì.
- Tắm rửa như bình thường, đến ngày mụn sẽ khô.

2. Kháng sinh - Vitamine:
- Nếu không loét miệng nhiều gây bội nhiễm thì khỏi kháng sinh làm gì.
- Vitamine cũng không cần lắm, đang đau miệng ép uống đau thêm.

3. Ngủ lăn qua lăn lại, khóc chút chút:
- Đau họng do vết loét: lấy gói Grangel (thuốc dạ dày) hay KIN baby bỏ vào ngăn mát tủ lạnh ngậm hay chấm vào vết loét sẽ hết đau.
- Ngứa ngáy quá có thể do kiêng không tắm.

4. Không chịu ăn:
- Do miệng đau: Làm thức ăn chờ nguội hẳn hay làm mát mới dễ ăn.
- Không ăn nóng, ăn cay, ăn chua.
- Cũng dùng gói Grangel hay KIN baby rơ miệng như trên.

5. Bình tĩnh, thường sau ngày thứ 4 sẽ tươi lên, không giật mình, không sốt cao là sẽ ổn dần.

“Bệnh Tay – Chân – Miệng đang vào mùa nhưng có tới 90% trẻ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, phụ huynh nên học dấu hiệu giật mình, nếu không giật mình thì rất hiếm khi có biến chứng”, BS. Khanh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.