Hàng hải

Đầu tư dự án xã hội hóa vùng nước cảng biển phải đáp ứng những tiêu chí gì?

20/02/2021, 09:09

Cục Hàng hải VN đề xuất nhiều tiêu chí, phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển.

img

Việc đưa ra các tiêu chí và hàng loạt phương pháp đánh giá nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa - Ảnh minh họa

Cục Hàng hải VN đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ GTVT quản lý kết hợp thu hồi sản phẩm.

Điểm đáng chú ý tại dự thảo thông tư là yêu cầu nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải có năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn và năng lực triển khai thực hiện dự án; kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự.

Liên quan đến vấn đề tài chính, dự thảo thông tư đề cập đến hai phương pháp đánh giá, gồm: phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước để đánh giá nhà đầu tư thực hiện dự án có hiệu quả đầu tư cao nhất. Hiệu quả đầu tư được đánh giá thông qua tiêu chí đề xuất nộp ngân sách nhà nước bằng tiền hoặc đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng.

Trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

Bên cạnh yêu cầu năng lực tài chính, dự thảo thông tư cũng đề xuất các phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.

Cụ thể, năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư sẽ sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Quy định mức điểm tối thiểu để được đánh giá là đáp ứng yêu cầu nhưng không được thấp hơn 60% tổng số điểm và điểm đánh giá của từng nội dung yêu cầu cơ bản không thấp hơn 50% điểm tối đa của nội dung đó.

Tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật cũng sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Quy định mức điểm tối thiểu để được đánh giá là đáp ứng yêu cầu nhưng không được thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật và điểm của từng nội dung yêu cầu về chất lượng, khối lượng; vận hành, quản lý, bảo trì; môi trường và an toàn và các yêu cầu chính khác không thấp hơn 60% điểm tối đa của nội dung đó.

Hồ sơ dự thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì căn cứ vào đề xuất nộp ngân sách nhà nước để so sánh, xếp hạng. Nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước lớn nhất hoặc thời gian thực hiện hợp đồng ngắn nhất được xếp thứ nhất và được đề nghị trúng thầu.

“Đối với dự án không áp dụng phương pháp đánh giá nêu trên, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương pháp đánh giá kết hợp trong hồ sơ mời thầu trên cơ sở đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu. Trong trường hợp này, bên mời thầu phải xây dựng nguyên tắc xét duyệt trúng thầu tương ứng”, dự thảo nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.