Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của BCĐ TNB. |
Cần quyết liệt đẩy nhanh các dự án giao thông cấp thiết ở ĐBSCL
Ngày 29/6, tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) đã chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của BCĐ TNB. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị phải quyết liệt đẩy nhanh các dự án giao thông cấp thiết vùng ĐBSCL.
Theo báo cáo của BCĐ TNB, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội vùng ĐBSCL đã có những phát triển đáng kể. Theo đó, toàn vùng đã thu hút 66 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,7 tỉ USD.
Trong lĩnh vực giao thông, có 6 dự án từ vốn ngân sách Nhà nước đang được tiếp tục triển khai với tổng mức đầu tư trên 2.217 tỷ đồng; đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, QL30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh, QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si (bao gồm cầu Ngã Tư), QL60 đoạn cầu Rạch Miễu - cầu Cổ Chiên. Kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng QL62 đoạn từ Âu Rạch Chanh - Mộc Hóa, cầu Châu Đốc, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, thực hiện nâng cấp đô thị với tổng số vốn vay 292 triệu USD tại 6 đô thị gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Cao Lãnh, Mỹ Tho, Rạch Giá, Trà Vinh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, qua khảo sát của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến công tác mới đây, mấu chốt về hạ tầng giao thông của Tây Nam Bộ hiện nay là phải quyết liệt đẩy nhanh dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ trước năm 2020. Hai dự án quan trọng này nằm trùng với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông. Trong đó dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được khởi công từ tháng 4/2015, nhưng do có khó khăn trong khâu thu xếp nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại nên chưa triển khai được. “Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 14.600 tỷ đồng. Sau khi có thiết kế chi tiết, chúng tôi đã rà soát lại tổng thể điều chỉnh một số giải pháp như: xử lý nền đất yếu, phân kỳ đầu tư một số tuyến nối, nút giao, một số hạng mục chưa cần phải đầu tư ngay theo đề nghị của địa phương cũng như phối hợp với UBND các tỉnh khảo sát xây dựng phương án giải phóng mặt bằng chi tiết. Hiện nay, sau khi rà soát, tổng mức đầu tư còn 9.600 tỷ đồng. Thời gian thu giá dịch vụ là 8 năm 1 tháng, so với trước đây là 19 năm. Phần hỗ trợ của Nhà nước là quyền thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương trong 8 năm 2 tháng (tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng). Dự kiến hoàn thành dự án vào đầu năm 2020.
Đối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hiện Bộ GTVT đã hoàn tất phương án đầu tư, đang chờ Bộ Tài chính điều chỉnh thông tư 55 trong đó có các quy định về trần lãi suất vay ngân hàng làm căn cứ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức BOT. Dự kiến, trong quý III/2017 sẽ phê duyệt dự án và tổ chức sơ tuyển, đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định 30/2015/NĐ-CP. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.800 tỷ. Thời gian thu phí là 14 năm, trong đó hỗ trợ thu phí khoảng 4 năm 11 tháng của dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (khoảng 2.700 tỷ đồng). Đây được coi như là một khoản hỗ trợ từ Nhà nước đối với dự án. Về mặt thủ tục, nếu làm BOT thì có thể phấn đấu khởi công vào cuối năm 2018 và hoàn thành vào giữa năm 2020.
Còn đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch của Chính phủ sẽ đầu tư sau năm 2030. Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo nghiên cứu đầu tư tăng cường thảm bê tông nhựa tuyến Quản lộ Phụng Hiệp (khoảng 1500 tỷ) để giảm tải cho Quốc lộ 1.
Một dự án cũng hết sức cấp bách khác là xây dựng cầu Đại Ngãi. Theo tính toán của JICA Nhật Bản thì tổng mức đầu tư cầu Đại Ngãi khoảng 8.600 tỷ đồng; nhưng nếu làm trong nước thì khoảng 6.500 tỷ đồng (do quy mô và một số hạng mục chưa đầu tư). Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận chúng ta vay ODA Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi. Hiện Bộ GTVT đang khẩn trương làm việc với Bộ KH&ĐT và Nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện các quy trình cần thiết. Nếu làm ODA mà nhanh thì cũng phải đến đầu 2019 mới khởi công được do thủ tục vay ODA khá phức tạp và phụ thuộc vào bên cho vay.
Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đi Bến Tre. Hiện nay, cầu Rạch Miễu 1 đi vào Bến Tre chỉ có 2 làn đường nên ngày lễ, Tết thường xảy ra ùn tắc giao thông. Nếu không sớm có phương án đầu tư cầu Rạch Miễu 2 thì hoàn thành xây dựng cầu Đại Ngãi cũng sẽ gây áp lực giao thông lớn hơn nữa lên cầu Rạch Miễu 1. Do đó, một trong những điểm cấp bách của hạ tầng giao thông Tây Nam bộ là phải xử lý được cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2 trên QL60.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của BCĐ TNB |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu tăng trưởng của vùng cao hơn bình quân cả nước nhưng nhìn chung vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt, trong năm 2017 tuy không xuất hiện thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nhưng đã nổi lên vấn đề sạt lở đất rất nghiêm trọng, với 64 điểm sạt lở trên toàn vùng, nặng nhất là các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau….
Về hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng cho biết, đang cùng Bộ GTVT rà soát lại hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL và đã có hướng đi cho tất cả các dự án quan trọng như: cầu Đại Ngãi sẽ sử dụng vốn ODA Nhật Bản và năm 2019 khởi công; tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào dự án cao tốc Bắc Nam hay làm BOT đang chờ Chính phủ quyết.... Tuy nhiên, theo như ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, cả hai loại hình đều thu phí như nhau. Nhưng nếu làm BOT thì giữa năm 2018 khởi công được, còn đưa vào dự án cao tốc Bắc Nam phải chờ Quốc hội quyết nên sẽ kéo dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận