Vật liệu không đáp ứng tiến độ yêu cầu
Bộ GTVT vừa gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khó khăn vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Theo Bộ GTVT, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án.
Trong đó, tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).
"Để chủ động sử dụng nguồn cát biển cho việc tổ chức thi công thí điểm mở rộng ở các đoạn tuyến phù hợp, trên cơ sở kết quả dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL" của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác.
Mặc dù Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư chủ động làm việc với UBND các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng để triển khai các thủ tục giao mỏ cát biển cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng liên quan đến cơ chế đặc thù đối với khai thác cát biển, quy định về ranh giới hành chính trên biển, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù… nên đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục", Bộ GTVT thông tin.
Theo tính toán tiến độ thi công phải cấp đủ khối lượng 18,5 triệu m3 vào cuối tháng 6/2024. Riêng năm 2023 phải cấp được 9,1 triệu m3.
"Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ để sớm cung cấp vật liệu cho các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT cũng đã chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 1/2024, tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đến nay rất chậm, không đáp ứng tiến độ yêu cầu", Bộ GTVT đánh giá.
Thông tin cụ thể hơn, Bộ GTVT cho biết, về xác định nguồn vật liệu, tỉnh An Giang còn thiếu 1 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long còn thiếu 1,98 triệu m3.
Về thủ tục cấp mỏ vật liệu, tỉnh An Giang đã hoàn thành thủ tục cấp mỏ 1,6 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục đối với 5 mỏ nhà thầu đã trình (trữ lượng 4,4 triệu m3), dự kiến có thể khai thác vào tuần đầu tháng 2/2024.
Tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác (trữ lượng gần 1 triệu m3) và 7 mỏ mới (trữ lượng hơn 6 triệu m3), đã khai thác 5 mỏ (trữ lượng hơn 3,5 triệu m3), 2 mỏ với trữ lượng 2,5 triệu m3 sẽ khai thác vào tuần đầu tháng 2/2024.
Tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành thủ tục cấp 3 mỏ (trữ lượng 1,82 triệu m3), đã khai thác 1 mỏ (trữ lượng 0,5 triệu m3), 2 mỏ mới (trữ lượng 1,32 triệu m3) sẽ khai thác vào tuần đầu tháng 2/2024, đang hoàn thiện thủ tục đối với 1 mỏ nhà thầu đã trình (trữ lượng 1,2 triệu m3), dự kiến có thể khai thác trong tháng 2/2024.
Về tình hình cung ứng vật liệu, tính đến ngày 31/1, có tổng cộng 2 triệu m3 cát đã đưa về công trường.
Trong đó, tỉnh An Giang 0,4 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp 1,6 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long, cát cần phải tuyển rửa nên mới lấy được 3.800 m3.
Mặc dù các mỏ đã khai thác và cung ứng cho dự án có tổng trữ lượng 6,6 triệu m3 nhưng công suất khai thác hạn chế, bình quân 1 ngày chỉ đưa về công trường 16.000 m3.
"Nếu tuần đầu tháng 2/2024 có thể khai thác 10 mỏ nêu trên thì với công suất cấp phép hiện nay, mỗi ngày cũng chỉ cung ứng cho dự án Cần Thơ - Cà Mau được 34.000 m3.
Thực tế, do việc cung ứng năm 2023 chậm nên cần phải cung ứng khoảng 90.000m3/ngày mới có thể hoàn thành dự án theo kế hoạch", Bộ GTVT nhận định.
Phấn đấu hoàn thiện thủ tục, khai thác các mỏ vật liệu trước 15/3
Cũng theo Bộ GTVT, nhằm khơi thông vật liệu đắp cho các dự án, trong hai ngày 29 và 30/1, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì đoàn công tác, trực tiếp làm việc với các địa phương và nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Cụ thể, thủ tục giao mỏ và cấp bản đăng ký khai thác cho các nhà thầu còn chậm.
Công suất được phép khai thác của các mỏ mới rất hạn chế. Theo hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã trình UBND tỉnh phê duyệt thì hầu hết các mỏ phải kéo dài sang năm 2025 mới khai thác hết trữ lượng.
Bên cạnh đó, một số địa phương đang yêu cầu công suất khai thác theo ngày, không cho khai thác theo số thiết bị khai thác đã được chấp thuận trong bản đăng ký khai thác dẫn đến tại một số mỏ, thiết bị khai thác chỉ hoạt động được khoảng 50% thời gian trong ngày nên không đáp ứng được sản lượng cung cấp.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long khẩn trương cấp "Bản xác nhận" đối với 6 mỏ nhà thầu đã trình hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và có thể khai thác vào tuần đầu tháng 2/2024.
Đặc biệt, tỉnh An Giang cần chủ động xử lý thủ tục đối với 5 mỏ đã được các nhà thầu hoàn thành thủ tục và trình UBND tỉnh.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cho phép nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày, đảm bảo sản lượng khai thác; Căn cứ tình hình thực tế khai thác của các mỏ đã cấp cho dự án, rà soát, đánh giá nội dung đánh giá tác động môi trường được duyệt để xem xét, có phương án điều chỉnh tăng công suất khai thác các mỏ (nếu đủ điều kiện).
Công tác rà soát các mỏ đang khai thác, các khu vực mỏ mới trên địa bàn, ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác cũng cần được triển khai.
Mục tiêu bảo đảm đủ công suất để đến 30/6/2024 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
"Các địa phương cũng cần chỉ đạo cơ quan đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để có thể khai thác trước 15/3/2024.
UBND các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…) hỗ trợ chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp cận, khảo sát các mỏ cát (cát sông, cát biển) trong địa bàn tỉnh", Bộ GTVT kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận