Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Dự kiến, Luật sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Nhưng bên cạnh đó vẫn có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.
Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài”, ông Bình nhấn mạnh.
Vì thế, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.
Trong phần thảo luận sau đó, một số đại biểu cũng đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), đặt vấn đề: Thời gian qua, kỳ thi THPT Quốc gia xảy ra nhiều tiêu cực gây bức xúc trong dư luận; Có địa phương tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lên tới 99%. "Thi thì có người trúng người trượt nhưng cách tổ chức thi như thời gian qua cần phải xem xét có hợp lý hay không, kết quả tốt nghiệp cao có thực chất hay không? Tôi đồng ý việc giao cho địa phương tự quyết thi THPT, qua đó tùy từng điều kiện có thể bỏ thi, chỉ xét tuyển, vừa tạo điều kiện cho những học sinh có học lực trung bình tham gia học nghề, số học sinh còn lại dành thời gian tập trung ôn thi vào đại học. Như vậy vừa tránh lãng phí, giảm chi ngân sách, vừa nâng cao chất lượng đầu vào các trường đại học”, ông Hòa nói.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị người học đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng THPT được học liên thông thẳng lên trình độ đại học và đề nghị giao Chính phủ quy định về quy trình liên thông; có ý kiến đề nghị, không quy định nội dung này trong Luật vì dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa bằng cấp, không đạt được mục đích phân luồng; có ý kiến băn khoăn về sự chưa thống nhất trong thời gian đào tạo của các nguồn tuyển sinh vào đại học...
Giải trình nội dung này, ông Phan Thanh Bình cho biết, nguyên tắc liên thông là chuẩn trình độ, kiến thức năng lực theo khung trình độ 8 bậc được Thủ tướng Chính phủ quy định; mục đích tạo nhiều khả năng và nhiều con đường để người học nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Hiện nay việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo cơ chế tự chủ; Luật Giáo dục đại học đã quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học đa dạng, bao gồm học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp. Mặt khác, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đang thực hiện trong toàn bộ hệ thống; tỷ lệ người học khi ra trường có việc làm và năng lực cạnh tranh sẽ là tiêu chí quan trọng để nâng uy tín cho các cơ sở đào tạo, điều này phụ thuộc vào sự chọn lựa, đánh giá của người sử dụng lao động và của cả xã hội”.
Vì thế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo Luật này không quy định cụ thể vấn đề trên mà chỉ nêu nguyên tắc, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện liên thông. Theo đó, người đã học xong trình độ cao đẳng được học lên trình độ đại học theo nguyên tắc: Liên thông lên cùng nhóm ngành nghề hoặc khi chuyển sang nhóm ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phải đáp ứng yêu cầu nội dung, chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận