Xã hội

ĐBQH Hoàng Văn Cường: "Nhiều người động viên tôi tự ứng cử"

05/05/2021, 14:15

Do quá tuổi quy định để được cơ quan giới thiệu, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Hiệu phó ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐBQH khóa XIV đã tự ứng cử ĐBQH khóa XV.

img

NGƯT.GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XIV

Đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, do đã quá tuổi quy định để được cơ quan giới thiệu với tư cách là đại diện công chức, viên chức nhà nước, nên GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã quyết định tự ứng cử.

Ông Cường đã chia sẻ với Báo Giao thông những cảm xúc, quyết định khác biệt khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV.

Nỗ lực để đáp lại sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri

Xin chúc mừng ông đã được Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH khóa XV. Ở kỳ bầu cử ĐBQH khoá XIV, ông là ứng viên được giới thiệu, còn ở kỳ này, ông là ĐBQH tự ứng cử. Vậy, cảm nhận của ông như thế nào khi là 1 trong 9 ứng viên tự ứng cử đã được chốt trong danh sách chính thức?

Tôi được cơ quan giới thiệu tham gia và được cử tri bầu là ĐBQH khóa XIV. Đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV, tôi đã quá tuổi quy định để được cơ quan giới thiệu với tư cách là đại diện công chức, viên chức Nhà nước.

Khi biết tôi không đủ tuổi để cơ quan giới thiệu, thì rất nhiều người động viên tôi nên tự ứng cử. Đặc biệt, tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú giới thiệu người ứng cử, tôi vô cùng xúc động khi nhiều người mong muốn gửi gắm niềm tin để tôi tiếp tục là ĐBQH.

Khi có tên vào bảng danh sách 868 ứng viên ĐBQH khóa XV, tôi cảm thấy rất vui vì thấy rằng mình được cử tri nơi công tác, được người dân nơi cư trú ủng hộ, tin tưởng và mong muốn tiếp tục là người đại diện cho cử tri.

Ở Hà Nội, trong số 30 ứng viên tự ứng cử thì còn lại 3 người sau hiệp thương vòng 3. Con số này thể hiện phần nào sự sàng lọc rất kỹ của Ủy ban bầu cử.

Sự tin tưởng và ủng hộ của cử tri, Uỷ ban bầu cử cũng cho tôi thấy, trọng trách của mình phải cao hơn, phải nỗ lực hơn nữa để đáp lại sự tin tưởng và ủng hộ đó. Đó là điểm khác biệt lớn nhất trong cảm nhận của tôi khi ứng cử Quốc hội kỳ này.

Còn về quy trình, thủ tục khi ông tự ứng cử có khó khăn hay khác biệt gì so với khi ông được giới thiệu ứng cử không?

Về thủ tục có sự khác nhau là khi được giới thiệu thì cơ quan sẽ đứng ra lo thủ tục hồ sơ ban đầu, tự ứng cử thì mình phải tự làm các thủ tục. Còn lại các khâu khác thì không có gì khác biệt. Cũng lấy ý kiến cử tri, cũng phải trải qua các vòng hiệp thương như quy định, không có gì là phân biệt cả.

Quyền lợi của nhân dân là tối thượng

Ông có thể chia sẻ chương trình hành động khi trúng cử ĐBQH khoá XV?

Qua một nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, tôi thấy rằng, ĐBQH phải thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhân dân và chuyển tải những ý chí nguyện vọng của nhân dân tới các cấp, các ngành, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các vấn đề, thách thức đặt ra đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đời sống hằng ngày của người dân.

Tôi có thuận lợi vì làm công tác giảng dạy tại trường Đại học hàng đầu về kinh tế với có số lượng giảng viên là các nhà khoa học rất đông. Tôi cũng là Phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Hà Nội. Đây là cơ sở để chương trình hành động của tôi hướng vào những đóng góp các vấn đề kinh tế, các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp và việc quản lý phân bổ ngân sách và đầu tư công.

Đặc biệt, tôi chú trọng đóng góp vào việc xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách, luật pháp.

Chương trình hành động của tôi cũng sẽ hướng vào đề xuất cơ chế chính sách để giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong các mối quan hệ đối với đất đai - đây là một trong những vấn đề đang nóng hiện nay, là nguyên nhân sâu xa của những tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Ông là ứng viên được bầu tại TP Hà Nội, vậy ông có chú trọng giải quyết những vấn đề người dân ở đơn vị bầu cử quan tâm không?

Tôi được giới thiệu ứng của tại đơn vị bầu cử số 10 thuộc hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh. Bên cạnh những vấn đề về phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống kinh tế xã hội, thì đất đai và môi trường cũng là những vấn đề đang nổi lên được người dân nơi đây quan tâm.

Là huyện ngoại thành có tác động mạnh của đô thị hóa, việc chuyển đổi đất đai từ sản xuất nông – lâm nghiệp sang phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc thu hồi đất của người dân và giao đất cho các nhà đầu tư phải được thực hiện công khai minh bạch theo cơ chế thị trường, đảm bảo lợi ích thỏa đáng của người có đất bị thu hồi, quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư, khắc phục tình trạng đất thu hồi để hoang hóa không đưa vào sử dụng làm thất thoát nguồn lực xã hội, thất thu ngân sách nhà nước.

Vấn đề xử lý môi trường ở Sóc Sơn và Mê Linh luôn là những bức xúc của người dân thuộc vùng bị ảnh hưởng. Tiếng nói và nguyện vọng của người dân về vấn đề này cần phải được chuyển tải để thể chế hóa thành các chính sách, công cụ luật pháp và giám sát thúc đẩy hành động của chính quyền trong việc thực thi các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe, đảm bảo quyền lợi và tăng thêm các cơ hội việc làm cho người dân vùng chịu tác động.

ĐBQH tiếp tục ứng cử có cả lợi thế và áp lực

Ông có cho rằng, việc mình từng làm ĐBQH khóa XIV là một lợi thế trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV không?

Tôi cho rằng, những người từng tham gia là ĐBQH hoặc là đại biểu HĐND các cấp vừa có lợi thế nhưng cũng là thử thách để được cử tri bầu chọn.

Bởi những người đã là ĐBQH hoặc đại biểu HĐND là đã có cơ hội để thể hiện mình, đã chứng tỏ được mình đã làm được gì cho cử tri, cho các hoạt động của Quốc hội hoặc HĐND các cấp.

Những hoạt động và đóng góp của anh sẽ là bằng chứng rõ ràng thể hiện năng lực, trách nhiệm và thực hiện lời hứa của mình với cử tri. Ngược lại, nếu đã là ĐBQH hoặc đại biểu HĐND mà anh không thể hiện được vai trò của mình, không để lại những dấu ấn với cử tri thì rất khó để thuyết phục cử tri tiếp tục bầu chọn.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 11 đại biểu tự ứng cử được bầu cử và chỉ 2 người trúng cử. Tỷ lệ này có gây áp lực cho ông khi tự ứng cử ĐBQH khoá XV?

Sự khác nhau đã được thể hiện và sát hạch rất kỹ trong các vòng hiệp thương, khi đã đưa vào danh sách bầu cử chính thức thì tất cả các ứng viên đều có cơ hội như nhau. Sự khác nhau mà cử tri quan tâm là trình độ, phẩm chất tư cách và năng lực chuyên môn có đủ để thực hiện vai trò là ĐBQH.

Cử tri là người thông thái và công minh, lá phiếu bầu chọn của cử tri sẽ quyết định Quốc hội thực sự là một cơ quan quyền lực cao nhất khi họ chọn bầu cho những người có đức, có tài, có tâm và đủ tầm là ĐBQH.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.