Tránh lãng phí trong phát triển văn hóa thông qua sản phẩm nghệ thuật
Sáng nay (19/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Nêu quan điểm về việc thành lập các trung tâm văn hóa ở nước ngoài, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện chương trình chưa có mục tiêu cụ thể về nội dung này.
"Tôi đề nghị bổ sung mục tiêu trong giai đoạn 2030-2035 sẽ bao nhiêu trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, để có kế hoạch triển khai thực hiện", ông Mạnh nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng băn khoăn, lo lắng khi đánh giá đây là ý tưởng hay nhưng không mới. Bởi việc duy trì có hiệu quả hay không với các trung tâm này là vấn đề đặt ra, do lãng phí và tốn kém.
"Lấy đâu ra những người có tâm huyết, trình độ vận hành trung tâm này, khi tư duy nhiệm kỳ là rào cản lớn nhất để xây dựng một chương trình có dài hạn và chiều sâu? Điều này có thể gây ra tình trạng chết yểu, hoặc sống ngắc ngoải như một số trung tâm hiện nay", ông Hiếu nêu vấn đề.
Theo đó, đại biểu Hiếu đề nghị nên chăng hỗ trợ các hội đoàn người Việt, kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ, vận hành các nhà hàng, ẩm thực, siêu thị, hàng hóa.
Hỗ trợ chương trình cụ thể về tiếng Việt, những nước có người Việt Nam sinh sống nhiều, ban hành đánh giá quy chuẩn trình độ học tiếng Việt, tổ chức thi và công nhận trình độ, trung tâm ở nước ngoài được hỗ trợ khi đạt được số lượng theo đặt hàng.
Ngoài ra, việc phát triển văn hóa thông qua sản phẩm nghệ thuật như triển lãm tranh, bộ phim, nhưng ông Hiếu cho rằng cần có chương trình tổng thể, tránh lãng phí và xin cho nguồn lực Nhà nước.
"Tài năng văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài chưa được phát huy. Cần đầu tư xây dựng mạng lưới hội sinh hoạt của người Việt trên thế giới. Ta có hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng không có kinh phí hoạt động thường xuyên, dù sự cố gắng của nhiều thành viên hội đã được ghi nhận", ông Hiếu nói.
Băn khoăn về bố trí vốn, hiệu quả đầu tư
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng phạm vi và quy mô chương trình này là rất lớn, với 10 nội dung thành phần và hàng trăm hoạt động chi tiết.
"Chúng ta đang ở rừng chi tiết, nên cần đánh giá hết sức rõ, lĩnh vực nào cần được ưu tiên và quan tâm thực hiện", ông An nói.
Trong khi đó, chương trình mục tiêu quốc gia phải bám sát quy định Luật Đầu tư công, nên đại biểu cho rằng những chỉ tiêu chưa rõ về mặt căn cứ thì nên rà soát lại.
Về tính khả thi, ông An cho rằng nên ưu tiên vấn đề cấp bách. Với nguồn vốn lớn, cần có trách nhiệm với từng đồng tiền bỏ ra, nhưng cơ sở quyết định vốn thì vẫn còn băn khoăn.
"Tại sao có tổng mức 256.000 tỷ đồng chia cho các giai đoạn này thì căn cứ vào đâu khi chưa làm rõ được vấn đề này", ông An nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cũng cho biết, chương trình đề xuất tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, tương đương gần 11 tỷ USD.
"Nếu tính trên tổng GDP hiện nay là 420 tỷ USD, số chi này khá lớn. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn 2035, GDP Việt Nam có thể 800-900 tỷ USD, tỷ lệ này là nhỏ", ông Huân nói.
Vấn đề được vị đại biểu chỉ ra là căn cứ xác định tổng mức đầu tư của chương trình không tương thích với 10 chương trình thành phần. Theo ông Huân, tổng mức đầu tư chương trình đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau này.
"Cần rà soát 10 thành phần chương trình bao trùm hết mục tiêu và hướng tới giá trị cốt lõi, sau đó khái toán chi phí từng năm, bám sát từng thành phần ấy và các hạng mục được quy ra % GDP ước tính từng năm", ông Huân góp ý.
Sau đó, theo ông, Quốc hội sẽ duyệt chi cho chương trình theo tỷ lệ GDP hàng năm, còn các hạng mục cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định cụ thể tùy tình hình thực tế.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai góp ý về cơ cấu nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư và khả năng huy động nguồn vốn và các nguồn lực khác.
Vì 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng đang có nhu cầu thực hiện tiếp giai đoạn 2025-2030, bà Mai đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát tổng mức đầu tư vốn gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện, gây lãng phí.
Ngoài ra, với các nội dung thành phần chưa xác định được tổng mức đầu tư theo nguồn dự kiến từng năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần làm rõ hơn dự kiến đối với từng dự án thành phần, trong đó gồm kinh phí Trung ương, địa phương và huy động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận