ĐBQH Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội nêu 6 vấn đề khiến dân bất an |
Hôm nay (9/6), Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Trong phần phát biểu của mình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong (ĐB tỉnh Bến Tre) đã nêu 6 vấn đề mà ông cho là đang khiến người dân bất an, đồng thời đề nghị Quốc hội và Chính phủ chú trọng giải quyết những vấn đề này.
Thứ nhất, ông Phong đặt câu hỏi: Tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính, trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị? Chức năng của Chính phủ là kiến tạo, nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không mở rộng?
Thứ 2, tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa được chặn đứng là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. Tiền người dân chắt chiu, gom góp trong mồ hôi, nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức báo động.
Thứ 3 là xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô, chuyển biến chậm, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt là nặng chú trọng đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp, nợ công còn cao. Hiện người dân Việt Nam có thể gánh 1.000 USD nợ lãi và xu hướng còn tăng trong những năm tới.
"Áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa cân bằng, chi thường xuyên gần 70% mức bội chi ba lần tăng trưởng, nghĩa là làm 1 đồng tiêu 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn", ông phân tích.
Bất an thứ 4 là vấn đề thương mại hoá các quan hệ xã hội. Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền.
"Đồng tiền đã làm suy thoái, dẫn dắt chính sách và làm đồng thuận cả pháp luật. Minh chứng cho điều này là hiện tượng "chạy": trong bụng mẹ là "chạy" chỗ sinh đẻ, đi học phổ thông các cấp và đại học thì "chạy" trường, "chạy" lớp, "chạy" điểm, tuyển dụng thì "chạy" chỗ, "chạy" chức, "chạy" quy hoạch, luân chuyển, vi phạm pháp luật thì "chạy" truy tố, "chạy" án, thậm chí chạy khỏi Tổ quốc, đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ để an thân", ông Phong dẫn chứng.
Vấn đề bất an thứ 5 là dân không thể an tâm khi rừng đã hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau dần cạn kiệt. Đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có trong khi đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh thu tô. Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, thiếu trách nhiệm trong khẳng định, đánh giá từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghệ lạc hậu và để lại hệ luỵ môi trường.
"Đừng vì những lợi ích tức thời mà buông bỏ tương lai dân tộc. Tiền có thể nhiều đến đâu cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất", ông Phong cảnh báo.
Còn bất an thứ 6 là bất an về an toàn cuộc sống. Ăn cơm thì sợ thực phẩm bẩn, bước ra đường thì sợ tai nạn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp. "Mỗi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến", ông Phong nói.
Giơ biển xin tranh luận, nhưng ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm,Phó Bí thư Thành uỷ TP HCM cho biết muốn góp thêm tiếng nói về bất an thứ nhất ĐB Phong nêu ra.
Bà Tâm cho rằng, không chỉ có Chính phủ liêm chính và hành động, mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc hết sức quyết liệt. Đặc biệt, thời gian qua, T.Ư đã có chỉ đạo xử lý tham nhũng, tiêu cực, xử lý trách nhiệm người đứng đầu rất cương quyết, dù chưa được như mong muốn nhưng đã tạo được hiệu ứng tốt, cử tri rất vui mừng, hoan nghênh.
"Hiện nay cả hệ thống chính trị đang rất quyết tâm. Chúng ta phải thể hiện làm sao để Đảng mạnh, để dân tin", bà Tâm nói và khẳng định, TP HCM cũng đang làm rất tốt vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận