Xử lý rác thải từ pin mặt trời thế nào?
Sáng nay (5/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn ở lĩnh vực công thương.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết, qua ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông nhận thấy việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng làm cho rác thải nhiều, tuy nhiên chưa thấy sự liên kết giữa hai ngành TN&MT và Công thương để xử lý rác điện tử và rác nhựa.
“Rác điện tử những năm gần đây tăng mạnh và xử lý rác điện tử rất khác với xử lý rác hữu cơ. Nếu hai ngành này không liên kết phối hợp với nhau, sẽ không giải quyết được”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa lấy ví dụ khi phát triển xe điện, từ đó dẫn đến rác thải là pin điện. Đẩy mạnh năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời, dẫn đến rác thải pin mặt trời thì cách xử lý như thế nào?
“Rác điện tử từ hàng chục triệu người tiêu dùng đã chiếm số lượng rất lớn và các ngành đều biết, nhưng tôi chưa thấy sự phối hợp giữa hai ngành này. Điều này sẽ cản trở sự phát triển bền vững của chúng ta trong tương lai”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề xử lý môi trường trong ngành công thương nhất là vấn đề rác trong những ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng mặt trời lâu nay luôn được quan tâm.
Điện gió, năng lượng mặt trời là năng lượng sạch nhưng sau chu kỳ khai thác, những linh kiện hết hạn sử dụng này sẽ đẩy ra môi trường có thể gây ô nhiễm rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh không riêng hai ngành công thương và tài nguyên môi trường, các bộ ngành khác lâu nay luôn có sự phối hợp.
“Trên thực tế, mọi chính sách mà chính phủ ban hành đều phải có sự gắn kết giữa các ngành, các cấp. Một mình không bao giờ có thể làm được”, ông nói và khẳng định các bộ ngành đã, đang và sẽ làm như vậy.
Thành lập cơ quan đa ngành giám sát hoạt động trên thương mại điện tử
Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến thương mại điện tử, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống.
Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan.
Để đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân, Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, việc triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết.
Phó thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế.
“Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử”, ông Hà nói.
Phó thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận