Tổng công ty Đường sắt VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị Ninh Bình làm đường giao thông kết nối ngoài đất đường sắt.
Trước đó, Ninh Bình đã có công văn gửi Bộ GTVT đề xuất xây dựng tuyến đường kết nối đường Voi Phục với đường Dốc Diệm, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình trong phạm vi đất dành cho đường sắt tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Đường sắt đề nghị Ninh Bình làm đường giao thông kết nối ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt. Ảnh: minh họa
Đây là tuyến đường giao thông kết nối với chiều dài 490m; mặt cắt ngang đường rộng 7m (lòng đường 5,5m, vỉa hè mỗi bên 0,75m); kết cấu bê tông nhựa. Đường giao thông kết nối nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt, bộ phận gần nhất của công trình cách mép ray ngoài cùng của đường sắt là 2,2m đến 3m.
Tuy nhiên, đề xuất không có bản vẽ mặt bằng, hồ sơ thiết kế quy hoạch kèm theo nên theo Tổng công ty Đường sắt VN không xác định được phạm vi ảnh hưởng của kết cấu hạ tầng đương sắt, công trình đường sắt như hàng rào, thoát nước, đường cột và dây thông tin tín hiệu...
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, theo quy định của pháp luật, đất dành cho đường sắt được dùng để xây dựng công trình đường sắt và đảm bảo ATGT đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp đất dành cho đường sắt phải sử dụng kết hợp để xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất này thì không được làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt, ATGT đường sắt và khi thực hiện phải được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định: Khi xây dựng mới công trình gần, liền kề công trình đường sắt hiện hữu, phải bố trí công trình mới nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt.
Tuy nhiên đề xuất của Ninh Bình xây dựng công trình đường giao thông kết nối dọc theo đường sắt, nằm trong phạm vi đất dành cho đường sắt, nhưng phương án xây dựng lại chưa đề cập đến các hạng mục công trình đường sắt liên quan như: hàng rào ngăn cách với đường sắt, hệ thống thoát nước, hệ thống cáp quang và hệ thống đường cột thông tin tín hiệu đường sắt.
“Do đó, đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu xem xét phương án xây dựng đường gom nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định Luật Đường sắt 2017 và Nghị định 56/2018/NĐ-CP.
Trường hợp khó khăn không thể bố trí công trình nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt, phải được cấp có thẩm quyền là Bộ GTVT chấp thuận theo quy định.”, Tổng công ty Đường sắt VN nhấn mạnh.
Tổng công ty Đường sắt VN cũng đề xuất, khi được Bộ GTVT chấp thuận, chủ đầu tư cần nghiên cứu xem xét quy mô của dự án cho phù hợp với các quy định hiện hành về lĩnh vực đường sắt. Trong đó, nêu biện pháp xử lý như bố trí vị trí mới để dịch chuyển, di dời… đối với hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt cho phù hợp với quy định tại Điều 13 Nghị định 56/2018/NĐ.
Về hệ thống thoát nước của công trình giao thông xây dựng mới và hệ thống thoát nước dọc đường sắt phải đảm bảo quy định chung không được làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt hiện hữu theo quy định.
Đồng thời phải có phương án bố trí phù hợp tại các vị trí đường đô thị giao với các đường ngang trong phạm vi của dự án như: phương án cải tạo mở rộng, tổ chức kết nối đồng bộ tín hiệu giao thông đường bộ với đường sắt, bố trí gồ, gờ, vạch tại các khu vực liên quan đến các đường ngang này theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận