Điều chỉnh khái niệm tàu bay không người lái
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương với 55 điều.
Trong đó, Ủy ban đã tiếp thu ý kiến góp ý về khái niệm "tàu bay không người lái", "phương tiện bay siêu nhẹ".
Ông Tới cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, qua nghiên cứu các khái niệm của một số nước và quy định tại Công ước về Hàng không dân dụng năm 1944, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm "tàu bay không người lái" đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay.
Như vậy, theo dự thảo luật mới nhất, tàu bay không người lái là phương tiện bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự điều khiển trực tiếp của người lái trên phương tiện bay đó.
Với ý kiến đề nghị làm rõ hơn từ "siêu nhẹ" trong khái niệm "phương tiện bay siêu nhẹ", Ủy ban đã bỏ từ "siêu nhẹ" và xây dựng khái niệm theo hướng liệt kê các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, máy bay trực thăng, tàu bay không người lái.
Đồng thời, để đảm bảo phân biệt và phù hợp với khái niệm "tàu bay" trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa khái niệm "tàu bay" trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam như quy định tại khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật.
Bổ sung trách nhiệm cấp phép xuất nhập khẩu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị quy định chỉ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được cấp phép sản xuất, nhập khẩu... để đảm bảo quản lý, kể cả vùng trời và khu vực an ninh.
Ý kiến khác đề nghị rà soát quy định bảo đảm thống nhất với pháp luật về nhập khẩu, xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất… trong dự thảo Luật phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành.
Theo đó, Bộ Công thương quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, nhưng đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý về đăng ký, cấp phép bay đối với các phương tiện này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời.
Đối với trường hợp xuất khẩu thì không quy định phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung khoản 2 quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái và phương tiện bay khác trong phạm vi quản lý.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công thương cấp phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận