ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) |
Thảo luận về mô hình các trại tạm giữ, tạm giam, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, nên giữ nguyên mô hình quản lý hệ thống cơ sở trại tạm giam, tạm giữ theo hiện hành, nghĩa là trại tạm giam cấp huyện/tỉnh thì do cơ quan công an cấp huyện/tỉnh trực tiếp quản lý...
Theo ĐB Phạm Xuân Thường, công tác quản lý giam giữ thời gian qua theo mô hình này chưa nảy sinh vấn đề quá lớn.
“Khi tổ chức bộ máy độc lập theo ngành dọc phải xây dựng thêm 700 nhà tạm giam, 700 nhà tạm giữ thì không phù hợp với điều kiện hiện nay. Khi xây dựng quản lý riêng, chuyện bảo vệ ra sao cũng là vấn đề. Hiện nay nhà tạm giữ cấp huyện và cả lực lượng công an cấp huyện bảo vệ an toàn cho nhà tạm giữ này. Tách ra theo hệ thống ngành dọc thì kinh phí đầu tư lớn, không khắc phục được bất cập. Trong khi chúng ta đang cố gắng giảm tạm giam, giảm nhà tù thì giờ lại dự kiến xây dựng thêm thì không hợp lý” – ông Thường phân tích.
Đối với quản lý người thi hành án tử hình, ĐB Thường bày tỏ sự băn khoăn nếu dồn tất cả bị can bị thi hành án tử hình vào 1 trại tập trung thì khó khăn cho công tác bảo vệ, rủi ro lớn.
“Hiện nay tách ra cho mỗi địa phương quản lý vài bị can tử hình đã rất vất vả, khi bị tuyên án tử hình, tâm lý rất phức tạp. Nếu giờ giam tập trung các đối tượng này vào một nơi, không hiểu Bộ Công an xử lý ra sao, sức ép của cán bộ quản lý như thế nào?” – ĐB đặt vấn đề.
ĐB Thường cho biết việc thực hiện thi hành án hiện nay đang rất tốn kém. Đơn cử, mỗi trường hợp thi hành án tử hình đưa từ Lào Cai xuống Sơn La cũng tốn 200 – 300 triệu đồng, hay từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn tương tự. Nhưng quan trọng là không an toàn. Vì thế, ĐB này đề nghị vẫn nên giam các đối tượng tử hình tại các trại tạm giam cấp tỉnh như hiện nay.
Đồng thời, ĐB kiến nghị Quốc hội tạo điều kiện để Bộ Công an nghiên cứu tổ chức xe tử hình lưu động.
Đóng góp ý kiến thảo luận về vấn đề làm sao chống bức cung, nhục hình trong các trại tạm giam, tạm giữ, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng cần phải tạo ra cơ chế hạn chế tối đa việc này. Tuy nhiên, dự thảo luật cũng đã tách quản lý tạm giam tạm giữ thành những cơ quan độc lập, nên không nhất thiết phải thành hệ thống ngành dọc.
“Việc này gây tốn kém cho việc xây dựng cả bộ máy, cán bộ. Và nói rằng nếu quy định thế này sẽ hạn chế bức cung, nhục hình cũng không phải. Nên giải quyết chính bằng công tác cán bộ và thủ tục pháp lý chặt chẽ sẽ hạn chế được”- ĐB Hồ Trọng Ngũ nêu quan điểm và cho rằng không nên thành lập hệ thống riêng tốn kém bộ máy, cơ sở vật chất mà chưa chắc đã hạn chế được bức cung nhục hình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận