Tuyến đường sắt kết nối cảng biển với Tây Nguyên
Theo Chủ tịch Tạ Anh Tuấn, Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk), phía Đông giáp biển Đông.
Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, xây dựng tương đối đồng bộ, kết nối thông suốt giữa các huyện trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực và cả nước với đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và cảng hàng không.
Tuy nhiên, để từng bước phát triển hoàn thiện và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, nhằm tạo động lực liên kết giữa các vùng kinh tế, địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, cần thiết quy hoạch, đầu tư tuyến đường sắt kết nối Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột.
Tuyến đường sắt này đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, tuyến đường dài 169km, kết nối tuyến đường sắt khu vực Tây Nguyên, gồm các tỉnh: Đắk Nông - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước.
Kết luận số 67/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm, trong đó có dự án đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa.
Cũng theo tỉnh Phú Yên, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lập quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có bổ sung tuyến đường sắt Pleiku - Tuy Hòa kết nối với cảng Vũng Rô.
Qua nghiên cứu, UBND tỉnh nhận thấy chỉ duy nhất vị trí từ Phú Yên lên Buôn Ma Thuột (kết nối lên Tây Nguyên) có địa hình phù hợp, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, khai thác so với toàn khu vực duyên hải miền Trung.
Từ đây, tỉnh này kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh tuyến đường sắt Pleiku - Tuy Hòa kết nối với cảng Vũng Rô thành tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột, chiều dài khoảng 169km, khổ đường 1.435mm, kết nối cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc, khu kinh tế Vân Phong, khu kinh tế Nam Phú Yên, cảng hàng không Tuy Hòa với tuyến đường sắt Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột, cửa khẩu Đắk Ruê... Dự án được đề xuất đầu tư xây dựng giai đoạn 2030-2045.
Cập nhật tuyến vào quy hoạch mạng lưới đường sắt đến 2050
Được biết, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào tháng 10/2023. Theo đó, sẽ xây dựng mới ga hàng hóa cho nhánh rẽ đường sắt vào cảng Bãi Gốc.
Đồng thời, tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột đã được cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Hội đồng thẩm định xem xét, Thủ tướng Chính phủ xem xét thẩm định, phê duyệt.
Tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột được xác định là hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn, nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên.
Đây cũng là cửa ngõ kết nối ra biển Đông với tuyến hàng hải quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, xuất nhập khẩu của khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, từng bước hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông của các tỉnh trong liên kết vùng kinh tế duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trong khi đó, khu vực bến Bãi Gốc với chức năng là bến tổng hợp, bến chuyên dùng, được xem là hạt nhân của Khu kinh tế Nam Phú Yên;. Cảng Bãi Gốc có địa hình tự nhiên phù hợp phát triển cảng nước sâu, có vị trí địa lý gần với tuyến đường hàng hải quốc tế và nằm bên cạnh Khu kinh tế Vân Phong, giúp liên kết, hỗ trợ và chia sẻ khối lượng hàng hóa lớn phục vụ cho xuất, nhập khẩu đối với cảng quốc tế Nam Vân Phong.
Cảng Bãi Gốc có vị trí chiến lược trong việc thu hút đầu tư, tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên và Khu kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Vì vậy, tỉnh Phú Yên đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết cảng Bãi Gốc để sớm trình Bộ GTVT phê duyệt, làm cơ sở triển khai đầu tư kết nối đồng bộ, liên thông giữa khu vực bến cảng Bãi Gốc với đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa.
Từ đây, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cập nhật, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận