Đường sắt

Đề xuất cơ chế làm đường gom xóa lối đi tự mở qua đường sắt

02/08/2022, 18:47

Cục Đường sắt đề xuất cơ chế làm đường gom để xóa lối đi tự mở qua đường sắt, đảm bảo an toàn.

Khó làm đường gom vì vướng giải phóng mặt bằng

UBND TP Nam Định vừa gửi văn bản đến Bộ GTVT đề nghị cho phép xây dựng đường gom song song đường sắt, giáp đường sắt Bắc Nam đoạn từ Km83+100 đến Km83+500 thuộc địa phận phường Lộc Hòa, TP Nam Định.

Đoạn đường gom này nằm trong phạm vi đất dành cho đường sắt; Mặt cắt ngang tuyến đường B=10,5m, cách mép ray ngoài cùng của đường sắt là 4m. Cùng đó đường gom được xây dựng đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước và điện chiếu sáng.

img

Nhiều địa phương khó làm đường gom do khó GPMB hoặc chi phí GPMB lớn. Ảnh: Lối đi tự mở san sát qua đường sắt tại Hà Nội

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho hay, theo quy định pháp luật đường sắt hiện hành, đường gom này có phần nằm trên đất hành lang ATGT đường sắt. Do đó Bộ đề nghị UBND TP Nam Định nghiên cứu xây dựng đoạn đường gom trên nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt.

Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ làm công tác an toàn đường sắt cho biết, hiện trên các tuyến đường sắt còn tồn tại nhiều đoạn lối đi tự mở tràn lan, nhất là tại các khu vực đông dân cư, nhà dân sát đường tàu.

Để đóng lối đi mở, việc xây dựng đường gom dọc theo đường sắt là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm ATGT đường sắt. Mặt khác còn phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông, đồng thời có khoảng trống phục vụ công tác thi công đường sắt và an toàn chạy tàu.

Nhưng để xây dựng đường gom, ngoài kinh phí xây dựng thì vướng mắc nhất hiện nay là kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì nếu xây dựng đường gom theo quy định của Luật Đường sắt hiện nay thì khối lượng GPMB lớn, khó khả thi. Do đó, không chỉ Nam Định, có nhiều địa phương kiến nghị cho phép làm đường gom trên đất hành lang đường sắt để giảm hoặc tránh GPMB.

Mặt khác, thực tế hầu hết các đường gom qua khu vực đông dân cư đã được xây dựng hiện nay đều trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt theo quy định pháp luật hiện hành do những nguyên nhân: Không đủ kinh phí để đền bù GPMB; Hoặc khó thực hiện được công tác GPMB mặc dù có kinh phí như tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM...

Đề xuất cơ chế làm đường gom, đảm bảo an toàn

Cục Đường sắt VN cho biết, theo quy định của Luật Đường sắt, nơi không được phép xây dựng đường ngang phải xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang ATGT đường sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất.

img

Cục Đường sắt đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật đường sắt theo hướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định cho phép xây dựng đường gom trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt để gỡ vướng trước mắt cho địa phương trong GPMB. Ảnh: minh họa

Từ năm 2007 đến nay, Bộ GTVT đã đầu tư xây dựng khoảng 86km đường gom dọc đường sắt bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo mục tiêu quy mô của dự án xây dựng đường gom, bảo đảm ATGT, tránh phát sinh lối đi tự mở.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT đường sắt, Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 (Đề án 358), mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt.

Theo Đề án 358, 33 UBND tỉnh/thành phố phải xây dựng 654,9km đường gom với kinh phí dự kiến 4.634 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phải thống nhất chủ trương xây dựng 17,7 km gồm 11 đoạn đường gom trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn một số tỉnh, thành phố Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Yên, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng,… để giải quyết những khó khăn về kinh phí đền bù, GPMB của địa phương.

Thời gian tới khi triển khai thực hiện xây dựng đường gom theo Đề án 358, khi nguồn vốn bố trí cho việc đền bù, GPMB để xây dựng đường gom không đáp ứng, các địa phương sẽ tiếp tục có các đề nghị cho phép xây dựng đường gom trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt.

Theo Cục Đường sắt VN, thực tế việc xây dựng các đường gom nêu trên trong thời gian qua đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt, phù hợp nguồn kinh phí được bố trí. Vì vậy cần nghiên cứu sửa đổi quy định về xây dựng đường gom của Luật Đường sắt để đảm bảo tính khả thi cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

“Đối với những vị trí xây dựng đường gom tại các khu vực đặc biệt qua các khu đông dân cư, khó thực hiện đền bù, GPMB, do kinh phí đền bù, GPMB hạn chế, Luật giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định cho phép xây dựng đường gom nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt, kết hợp biện pháp bảo đảm ATGT đường sắt phù hợp với nguồn kinh phí được bố trí. Về lâu dài các đường gom này sẽ được đưa ra ngoài phạm vi hành lang ATGT đường sắt khi điều kiện kinh phí cho phép.”, Cục Đường sắt VN đề xuất.

Cục Đường sắt VN cũng đề xuất, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Trung ương cho đầu tư phát triển KCHT đường sắt giai đoạn 2021-2025 rất hạn hẹp, cần thiết xem xét phân quyền cho UBND cấp tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua tổ chức quản lý, thực hiện đầu tư xử lý các vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt tiềm ẩn TNGT đường sắt, trong đó có làm đường gom.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.