Dự án huy động nguồn vốn nhà đầu tư lớn nhất hiện nay
UBND tỉnh Bình Phước vừa gửi các cấp có thẩm quyền và các bộ liên quan dự thảo tờ trình chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Theo phương án đề xuất, dự án được đầu tư với tổng chiều dài gần 129km đi qua hai tỉnh: Đắk Nông (gần 28km) và Bình Phước (101km).
Trong đó, chiều dài đường cao tốc khoảng gần 127km; Chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (khoảng 2km).
Giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1), tuyến cao tốc sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m (riêng đoạn qua TP Đồng Xoài nền đường rộng 25,5m), tốc độ thiết kế từ 100-120km/h tùy vào điều kiện địa hình.
Đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đầu tư theo quy mô đường cấp III, bề rộng nền đường 12m.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023-2024; Công tác bồi thường, tái định cư thực hiện trong năm 2024; Thời gian thi công dự án từ cuối năm 2024, hoàn thành năm 2026.
Dự án được đề xuất chia thành 5 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành (bao gồm cả đoạn tuyến kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện là UBND tỉnh Bình Phước.
Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công.
Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công.
Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông.
Dự án thành phần 5: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Bình Phước.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng gần 16.500 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng hơn 4.600 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác khoảng hơn 1.200 tỷ đồng; Chi phí dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng; Chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 895 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, theo đề xuất, nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng hơn 10.500 tỷ đồng, gồm: Nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 1.760 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 khoảng hơn 8.700 tỷ đồng.
Vốn ngân sách địa phương tham gia dự án khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.
Vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng gần 12.800 tỷ đồng (chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án).
Theo đánh giá, với cơ cấu nguồn vốn trên, cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án do địa phương làm cơ quan có thẩm quyền có số vốn huy động lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Loạt cơ chế đặc thù đưa dự án về đích sớm
Với tính chất là dự án quan trọng quốc gia, để đảm bảo tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành dự án, tại dự thảo, UBND tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét hàng loạt cơ chế đặc thù.
Về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ đã có Tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 trong 3 năm từ 2023-2025.
Tuy nhiên, nhận định tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án có quy mô lớn, thời gian thi công dự kiến kéo dài đến cuối năm 2026, khó đảm bảo thời gian hoàn thành công tác giải ngân như thời gian quy định, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị cho phép thời gian giải ngân vốn tăng ngân sách sách Trung ương năm 2022 bố trí thực hiện dự án kéo dài đến hết năm 2026.
Cho rằng trong điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, khó có thể bố trí ngay được nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai các dự án thành phần GPMB, xây dựng đường gom, cầu vượt ngang trong năm 2024, địa phương cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép thực hiện cơ chế linh hoạt giữa các nguồn vốn, UBND hai tỉnh có dự án đi qua tạm ứng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án thành phần 1 để thực hiện các dự án thành phần còn lại, đảm bảo không vượt quá phần vốn ngân sách Nhà nước thuộc trách nhiệm bố trí của từng địa phương.
Ngoài ra, dự thảo tờ trình cũng đề xuất cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư, áp dụng trong hai năm kể từ ngày dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trong 2 năm kể từ ngày Nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án và các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án.
Việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại điểm này được thực hiện đến khi hoàn thành xây dựng các hạng mục, công trình dự án.
Theo phương án đề xuất, công tác GPMB dự án sẽ được thực hiện một lần theo quy hoạch được duyệt (6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25m).
Sơ bộ tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng hơn 1.100ha (tỉnh Đắk Nông khoảng 261ha, tỉnh Bình Phước khoảng 850ha). Sơ bộ số hộ bị ảnh hưởng khoảng hơn 1.200 hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận