Thị trường

Đề xuất lập Quỹ Bình ổn giá thép: Phạm luật, ngược nguyên tắc thị trường

31/05/2021, 17:43

Theo giới chuyên môn, đề xuất lập Quỹ bình ổn vừa phạm luật, vừa vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và không phù hợp thực trạng...

img

Giá thép tăng khiến nhiều công trình xây dựng có nguy cơ đình trệ

Vừa phạm luật, vừa vi phạm nguyên tắc kinh tế thị trường

Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu 7 giải pháp để ngành thép phát triển trong tương lai.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công thương đề xuất cân nhắc việc hình thành Quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.

Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức nhận lại nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn khi cho rằng, sẽ không khả thi khi đang tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, Quỹ bình ổn là một trong những công cụ vận hành theo Luật quản lý giá (Luật giá - PV), nhưng thép không thuộc danh mục hàng hóa được bình ổn theo luật này nên đề xuất của Bộ trưởng Công thương không phù hợp với luật.

Theo ông Ánh, thị trường thép đã hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay thì hiện không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của nhà nước, kể cả Quỹ bình ổn.

Ngoài ra, biến động giá thép do nhiều nguyên nhân, cả trong và ngoài nước. Trong đó, có vấn đề về phôi thép, nhu cầu và đột biến về chi phí vận tải. Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép.

"Tóm lại, đề xuất lập Quỹ bình ổn vừa phạm luật, vừa vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép lần này", chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Cẩn trọng vi phạm luật quốc tế

Một chuyên gia về giá khẳng định chắc chắn rằng, đề xuất của Bộ trưởng Công thương đang tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường và bất lợi cho Việt Nam khi chúng ta đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Cũng theo vị chuyên gia, bản chất của xăng dầu và thép hoàn toàn khác nhau. Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Là đầu vào huyết mạch cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Còn thép chỉ là nguyên liệu đầu vào cho một ngành nghề.

“Do vậy, để đưa ra giải pháp cho giá thép thì cần đánh giá rõ nguyên nhân tăng giá do đâu? (do nguyên liệu thế giới tăng hay đầu cơ?); Khả năng tăng lâu hay chỉ nhất thời... chứ không thể là một giải pháp trái với Luật và phi thực tế”, ông này bày tỏ.

Vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi cần Bộ Công thương nêu rõ: Nếu lập Quỹ bình ổn thì huy động nguồn lực từ đâu, ngân sách nhà nước hay thu từ doanh nghiệp? Thu từ nhập khẩu hay sản xuất trong nước, hay cả 2? Thu như thế nào để doanh nghiệp không cộng dồn làm tăng giá đầu vào, thì lại tác dụng ngược vào giá và vô hiệu hóa Quỹ?...

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép chia sẻ thẳng thắn rằng không ủng hộ việc lập Quỹ bình ổn giá thép. “Giá thép đang cao, giờ đóng tiền vào Quỹ. Người tiêu dùng “gánh” hết. Còn khi giá giảm, có được điều hành tăng không, người dân có chịu không khi thị trường đang “mạnh ai nấy làm”, đại diện doanh nghiệp đặt vấn đề.

Nên hỗ trợ thúc đẩy sản xuất trong nước

Đại diện doanh nghiệp sản xuất thép cho biết, hiện nay, giá thép tăng là do tác động của dịch Covid-19. Khi nhiều nhà máy chưa hoạt động trở lại, nhưng nhiều nước đang tích cực “bơm” tiền để đầu tư hạ tầng, nhu cầu thép tăng.

Trong khi, Trung Quốc đã thực hiện việc hạn chế xuất khẩu để kiềm đà tăng của giá thép ở nước này. Việt Nam cũng nhờ đó mà hưởng lợi khi có thêm các đơn hàng xuất khẩu. Giá thế giới tăng, kéo theo giá nội địa Việt Nam cũng bị điều chỉnh theo.

Theo vị này, khi giá lên, các doanh nghiệp thép bán hàng dễ hơn nhiều vì "khách hàng sợ giá lên tiếp nên tranh nhau đi mua". Tâm lý thị trường cũng đã đẩy giá tăng thời gian qua.

Hiện giá thép trên thị trường đã giảm khoảng 3-5%. Tuy nhiên, sẽ còn quay lại đà tăng vào khoảng tháng 8, tháng 9 khi hết mùa mưa, các công trình xây dựng nhiều…

Như vậy, giải pháp lúc này là cần những "ông lớn" xuất khẩu như Hòa Phát, Pormosa... cân đối lợi ích cùng hỗ trợ. Hoặc có phương án hỗ trợ thúc đẩy sản xuất trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.