Vừa thu phí đã xuất hiện nhiều bất cập
UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Dù mới đưa vào khai thác nhưng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có dấu hiệu quá tải do lượng phương tiện tăng nhanh - Ảnh minh họa
Văn bản nêu rõ: Theo các quyết định của Bộ GTVT, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện phân kỳ với bề rộng nền đường 17m gồm 4 làn xe cao tốc rộng 3,5m và dải phân cách giữa, có bố trí điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng.
Trong thời gian khai thác miễn phí từ ngày 30/4/2022 và khai thác chính thức có thu phí từ ngày 9/8/2022 đã xuất hiện một số vấn đề cấp bách.
Cụ thể, lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện khá lớn. Do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây hơn 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện.
Dự án giai đoạn 1 chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp có chiều rộng khoảng 2m (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10 km/1 dải/1 chiều). Việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng.
Đồng thời, phương tiện cứu nạn, cứu hộ sẽ không kịp thời xử lý các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định.
Căn cứ cơ sở phân tích trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
“Hiện, Trung ương đang triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu bằng nguồn vốn ngân sách.
Do vậy, UBND tỉnh nhận thấy việc đầu tư giai đoạn 2 bằng vốn ngân sách do Trung ương hỗ trợ sẽ phù hợp với tình hình thực tế của dự án”, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị.
Theo chuyên gia, giai đoạn 2 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nên xem xét đầu tư theo hình thức BOT để đảm bảo phương án tài chính tổng thể của nhà đầu tư giai đoạn 1 - Ảnh minh họa
Vẫn cần cân nhắc
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, hình thức đầu tư hợp lý nhất với giai đoạn 2 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận là hợp đồng BOT.
“Lý do bởi giai đoạn 1, dự án đã được đầu tư theo hình thức BOT. Giai đoạn 2 nếu không làm BOT sẽ tạo ra nghịch lý cùng trên một tuyến đường, giai đoạn 1 thu phí phương tiện, giai đoạn 2 lại không thu”, ông Chủng phân tích.
Tìm hiểu của PV, tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 14/7/2022, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp được mời tham gia quản trị, điều hành, tháo gỡ vướng mắc, triển khai và đưa dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức đối tác công - tư, hình thức hợp đồng BOT.
Đồng thời, làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn giai đoạn 1 tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 hoàn thành trong năm 2025 để đảm bảo khả thi phương án tài chính tổng thể dự án; Thống nhất với doanh nghiệp dự án bổ sung trạm dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật cứu hộ cứu nạn vào danh mục cơ sở vật chất của dự án, đảm bảo khai thác đồng bộ, an toàn.
Theo phương án được doanh nghiệp đề xuất, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đầu tư mở rộng quy mô mặt cắt ngang 8 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.500 tỷ đồng (bao gồm lãi vay).
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án khoảng 4.700 tỷ đồng (50% tổng mức đầu tư); Vốn chủ sở hữu khoảng 720 tỷ đồng (15% vốn BOT) và vốn huy động khác (huy động từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh,…) khoảng 4.084 tỷ đồng (85% vốn BOT).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận