Hơn 2,2 triệu phương tiện lưu thông trong 3 tháng
Thông tin từ Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), sau hơn 90 ngày vận hành phục vụ người dân lưu thông không thu phí (từ ngày 30/4/202), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ hơn 2,2 triệu lượt xe với lưu lượng trung bình trong 30 ngày gần đây là 30.512 lượt xe/ngày đêm.
Trong 30 ngày gần đây, lưu lượng trung bình trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 30.512 lượt xe/ngày đêm - Ảnh minh họa
Cùng đó, đơn vị quản lý vận hành đã xử lý hơn 50 vụ va chạm, cứu hộ 550 trường hợp xe gặp sự cố và tiếp nhận giải đáp 1.172 cuộc gọi của người tham gia giao thông.
“Trong bối cảnh lưu lượng phương tiện tăng đột biến, đơn vị cũng đã huy động 200 nhân sự và hàng chục đầu thiết bị máy móc nỗ lực vận hành”, đại diện doanh nghiệp dự án thông tin.
Điều khiến đơn vị vận hành tuyến cao tốc lo ngại hiện nay là trong số các vụ va chạm trên tuyến, nguyên nhân tới 43% do lái xe chuyển hướng không đúng quy định, 36% chạy quá tốc độ, 6% sử dụng rượu bia…
Đứng trước thực trạng đó, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng dự án cần được thu phí để góp phần điều tiết lưu lượng. Nhà nước sớm triển khai xây dựng giai đoạn 2 để hoàn thiện dự án, đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng tăng của người dân.
Với nỗ lực đưa dự án đi vào khai thác theo đúng kế hoạch và vận hành tuyến để phương tiện lưu thông an toàn, doanh nghiệp dự án kỳ vọng sẽ sớm được triển khai kế hoạch thu phí trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh minh họa
Doanh nghiệp lo mất hàng trăm tỷ
Nhấn mạnh về đề xuất sớm triển khai thu phí chính thức trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo doanh nghiệp dự án, tính đến nay, các yêu cầu của tỉnh Tiền Giang (vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền), Bộ GTVT và Hội đồng kiểm tra nhà nước (Bộ Xây dựng) đã được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, đảm bảo điều kiện đưa dự án vào khai thác.
“Các mức phí từng loại xe cũng đã được chúng tôi thống nhất điều chỉnh giảm theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang. Doanh nghiệp dự án cũng cho kéo dài thời phục vụ miễn phí thêm 30 ngày (tổng cộng 90 ngày) để chờ quyết định nhưng chưa có ý kiến chính thức”, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nói và cho biết, việc thu phí dịch vụ nếu không được sớm triển khai sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Cụ thể, việc lưu thông không thu phí không kiểm soát được tải trọng xe, chất lượng xe, không kiểm soát được lưu lượng dẫn đến nguy cơ xảy ra TNGT cao.
Không thu phí, dự án sẽ không có chi phí bảo trì, bảo hành, sửa chữa công trình dẫn đến xuống cấp, lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội tương tự tuyến TP.HCM - Trung Lương.
“Kế hoạch thu phí không được triển khai cũng sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng khi phương án tài chính, kế hoạch tài chính đã được cụ thể hoá trong các điều khoản hợp đồng không được thực hiện. Riêng với doanh nghiệp, số tiền thất thu hàng năm có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Nguy hiểm hơn, việc chậm triển khai thu phí dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của doanh nghiệp đối với các dự án hạ tầng giao thông thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) - một mô hình được xác định là xương sống để mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 có thể hoàn thành theo định hướng của Chính phủ”, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhận định.
Trước đó, từ 14h ngày 23/6 đến 14h ngày 29/6, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực hiện thử nghiệm thu phí. Thống kê trong khoảng thời gian này, tuyến cao tốc đã đón hơn 186.700 lượt xe, trung bình khoảng 31.100 lượt mỗi ngày.
Tình hình giao thông được đánh giá đảm bảo, các xe tuân thủ lấy, trả thẻ IC khi vào, ra cao tốc. Hệ thống thiết bị thu phí hoạt động ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu quan sát, lưu trữ.
Sau thời gian thử nghiệm, đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc đã quyết định tiếp tục cho phương tiện lưu thông miễn phí thêm 30 ngày nữa (tính từ mốc thời gian từ ngày 1/7) mới bắt đầu thu phí BOT để thu hồi vốn đã đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận