Mở rộng phạm vi truy cứu hình sự người bị dẫn độ
Bộ Công an vừa có dự thảo lần 2 về xây dựng Luật Dẫn độ để trình Chính phủ trong tháng 1/2025. Trong các nội dung vừa xây dựng, Ban soạn thảo nhấn mạnh phải xây dựng mới một số quy định về dẫn độ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Một là, bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước chống tra tấn) hoặc theo thông lệ hoặc pháp luật quốc tế (tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự, tội phạm không bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép).
Theo quy định, các quốc gia thường từ chối dẫn độ trong trường hợp tội phạm được yêu cầu dẫn độ bị coi là tội phạm chính trị hoặc tội phạm quân sự. Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) chưa có quy định cụ thể về trường hợp này cũng như căn cứ để xác định tội phạm chính trị, tội phạm quân sự. Do vậy, trong trường hợp nhận được yêu cầu dẫn độ có liên quan đến tội phạm chính trị, tội phạm quân sự, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ gặp lúng túng.
Sau hơn 15 năm thực hiện Luật TTTP năm 2007, Bộ Công an tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ do phía nước ngoài gửi đến (yêu cầu dẫn độ đến); lập và chuyển 95 hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (yêu cầu dẫn độ đi).
Ngoài ra, theo Luật TTTP thì chỉ có tòa án cấp tỉnh (nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị giam giữ hoặc chấp hành án tù) được quyền ra quyết định từ chối dẫn độ. Việc này dẫn đến trường hợp khi Bộ Công an tiếp nhận và kiểm tra yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, dù biết rõ yêu cầu bị từ chối nhưng vẫn phải chuyển hồ sơ đến tòa án giải quyết, gây lãng phí.
Hai là, bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu hình sự người bị dẫn độ mà Luật TTTP chưa đề cập đến. Theo đó, sau khi bị dẫn độ về quốc gia yêu cầu, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, phát hiện thêm các tội phạm mà người bị dẫn độ đã gây ra trên lãnh thổ quốc gia yêu cầu trước khi bỏ trốn, thì các quốc gia có thể thỏa thuận với nhau để mở rộng truy cứu hình sự đối với người bị dẫn độ.
Ví dụ, nước A đề nghị nước B dẫn độ đối tượng C vì phạm tội giết người. Sau khi C được dẫn độ về nước A về tội giết người, nước A phát hiện thêm trước đó đối tượng đã phạm tội hiếp dâm.
Theo thông lệ quốc tế, nước A chỉ được truy cứu hoặc thi hành án đối với C về tội giết người. Như vậy sẽ bỏ lọt tội hiếp dâm của đối tượng C. Do vậy, Ban soạn thảo cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định nêu trên.
Quy định mới về dẫn độ tội phạm mang án tử hình
Ba là, bổ sung quy định về dẫn độ đơn giản. Cụ thể, trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đồng ý bị dẫn độ thì việc dẫn độ có thể được tiến hành kể cả khi các điều kiện về thủ tục chưa đáp ứng hoàn toàn.
Cơ quan soạn thảo đánh giá, bổ sung quy định này không chỉ góp phần cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các quốc gia đi vào thực chất, hài hòa giúp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm.
Ví dụ, nước A lập hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đề nghị nước B dẫn độ đối tượng C. Thông thường, quốc gia B cần khoảng 5 tháng để xem xét, quyết định dẫn độ đối tượng cho quốc gia A mà không cần sự đồng ý của đối tượng C.
Tuy nhiên, khi C đồng ý với việc bị dẫn độ theo đề nghị của quốc gia A, thì nước B có thể ngay lập tức bàn giao C mà không cần phải trải qua thời gian 5 tháng như nêu trên.
Bốn là, bổ sung quy định về dẫn độ có điều kiện. Ví dụ, Thụy Điển không có hình phạt tử hình nên Việt Nam sẽ phải đưa ra cam kết không thi hành hình phạt tử hình.
Hay như Thái Lan quy định tội phạm bị yêu cầu dẫn độ phải ít nhất là một năm tù nên Việt Nam phải đưa ra cam kết tội phạm bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị phạt tù từ một năm trở lên nếu bị kết án tại Việt Nam.
Theo dự thảo, hiện nay, Luật TTTP chưa có quy định về việc đưa ra các cam kết này trong văn bản yêu cầu dẫn độ. Đây là vấn đề xung đột pháp luật, cần giải quyết theo hướng hài hòa giữa các bên để thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về dẫn độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận