Thị trường

Đề xuất mới về xuất khẩu sang Trung Quốc: Phải thanh toán qua ngân hàng

20/03/2022, 11:21

Theo đề xuất mới của Bộ Công thương, tất cả mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng…

Bộ Công thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu biên giới phía Bắc theo hình thức thương mại chính ngạch.

Theo đó, trước mắt, tất cả mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện nghiêm quy định về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ghi nhãn hàng hóa...

Đáng chú ý, Bộ này đề xuất, tất cả đều phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Khuyến khích hàng nông sản xuất khẩu mở tờ khai hải quan hàng xuất khẩu tại hải quan địa phương vùng trồng.

img

Tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu vẫn diễn ra do Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, khiến doanh nghiệp xuất khẩu theo kiểu kinh doanh biên mậu gặp nhiều rủi ro

Còn về lâu dài, phải nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, tăng cường điện tử hóa trong việc thực hiện các thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng kịp thời trong giai đoạn chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Nghiên cứu, kết nối thu hút đầu tư, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics gần biên giới - là khu vực tập trung để sơ chế công đoạn cuối cho sản phẩm, bảo quản hàng hóa (kho lạnh gắn liền với kiểm dịch, kiểm nghiệm nhằm chuẩn hóa chất lượng, đặc biệt đối với các loại nông sản, trái cây tươi có tính thời vụ cao, thời gian bảo quản ngắn).

“Trước mắt thực hiện thí điểm tại các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh”, Bộ Công thương đề xuất.

Hiện nay, để giảm thiểu ách tác tại khu vực cửa khẩu biên giới phía bắc, Bộ này cũng đã hướng dẫn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai về việc xây dựng các “vùng xanh”, “luồng xanh”.

Đó là, có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện, cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe (trong trường hợp cần thiết) tại các bãi này.

Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa.

Nhận định mô hình này có thể cải thiện đáng kể hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới, hạn chế được tối đa nguy cơ ùn tắc, Bộ Công thương cho rằng sẽ có nhiều thuận lợi có thể đạt được.

Thuận lợi đầu tiên phải kể đến là khắc phục được việc phương tiện và hàng hóa đã được khử khuẩn bên phía ta, phía Trung Quốc lại khử khuẩn một lần nữa, do kết quả xét nghiệm và quy trình khử khuẩn của ta chưa được Trung Quốc công nhận.

Bên cạnh đó, khắc phục được hạn chế về diện tích khu vực phun khử khuẩn của phía Trung Quốc (như ở cửa khẩu Tân Thanh).

“Nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2 bên phía Trung Quốc thì theo quy định, Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, đôi khi mất tới 1-2 ngày.

Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam thì chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ. Hoạt động thông quan, bốc dỡ, sang tải bên phía Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng”, là thuận lợi quan trọng nhất của “vùng xanh”, “luồng xanh”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.