Theo đó, các công trình được phép xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt gồm: Công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt; công trình dùng cho mục đích tuyên truyền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư công trình phải tự bố trí kinh phí và thực hiện tháo dỡ, di chuyển công trình mà không được bồi thường.
Bộ GTVT cũng đề xuất cho phép xây dựng đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt quốc gia hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt trong trường hợp đường gom không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt, đồng thời phải xây dựng hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường gom.
Việc xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, ATGT đường sắt và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Lý giải về việc bổ sung quy định này, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, quy định việc xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt là cần thiết để làm cơ sở quản lý phạm vi đất dành cho đường sắt được công khai, minh bạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Riêng về nội dung cho phép xây dựng đường gom trong hành lang, theo đại diện Cục Đường sắt VN, Luật Đường sắt 2017 hiện hành quy định đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức; nơi không được phép xây dựng đường ngang phải xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang ATGT đường sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất.
Tuy nhiên, điều này không khả thi. Vì kể từ khi Nghị định 39/NĐ-CP, Luật Đường sắt 2005 đến Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực, hành lang ATGT đường sắt mới chỉ được xác định trên thực địa theo Nghị định 39/NĐ-CP và chưa được đền bù, giải tỏa hành lang ATGT đường sắt theo quy định.
Thậm chí, một số địa phương còn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Vì thế việc xây dựng công trình theo quy định trên thì khối lượng GPMB lớn, dẫn đến không đủ kinh phí để đền bù GPMB, hoặc có kinh phí nhưng vẫn rất khó thực hiện như tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng...
Mặt khác, thời gian qua, các địa phương khi cải tạo, chỉnh trang, mở rộng đô thị hay triển khai thực hiện Quyết định 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo ATGT đường sắt, xóa lối đi tự mở đã gặp khó khăn.
Lý do nguồn vốn bố trí cho đền bù GPMB để xây dựng cầu vượt, đường gom không đáp ứng. Các địa phương tiếp tục đề nghị cho phép xây dựng đường ngang (không làm cầu vượt), đường gom trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt.
"Thực tế trên đường sắt quốc gia hiện nay đã có nhiều đoạn đường gom trong hành lang ATGT đường sắt. Việc xây dựng các đường gom trong thời gian qua là cơ sở để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt, góp phần làm giảm tai nạn giao thông đường sắt.
Vì vậy rất cần thiết bổ sung quy định này để đảm bảo tính khả thi của Luật cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam", đại diện Cục Đường sắt cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận