Đề nghị lý giải đề xuất tăng mức bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân
Tiếp tục phiên họp thứ 28, chiều nay (13/12), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Trình bày tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Pháp lệnh gồm 92 điều, 13 chương.
Đáng lưu ý, về việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định, dự thảo Pháp lệnh về cơ bản kế thừa quy định về miễn, giảm chi phí giám định của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
Đồng thời bổ sung việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tương tự như đối với chi phí giám định; bổ sung một số đối tượng được miễn (người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng;…); sửa đổi trường hợp được giảm là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp.
Về chi phí tố tụng cụ thể, dự thảo Pháp lệnh quy định các chi phí như: Xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, giám định.
Các chi phí cho hội thẩm, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện do tòa án chỉ định.
Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật, chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, ủy thác tư pháp ra nước ngoài...
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận thấy, Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng hiện hành chỉ quy định đối với 4 loại chi phí tố tụng gồm: giám định, định giá; cho người làm chứng, người phiên dịch.
Dự thảo Pháp lệnh mới đã mở rộng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật, do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, riêng về danh mục chi phí thù lao và phụ cấp xét xử ban hành kèm theo Pháp lệnh, một số mức thù lao cao hơn khá nhiều (thù lao cho người làm chứng nâng từ 50 nghìn đồng/ngày lên 200 nghìn đồng/ngày; phụ cấp xét xử của hội thẩm nhân dân nâng từ 90 nghìn đồng/ngày lên 900 nghìn đồng/ngày...).
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi và tiếp tục cân nhắc, đề xuất mức chi phù hợp.
Chỉ nên quy định về loại chi?
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng chưa chắc chắn bao quát hết tất cả những chi phí tố tụng trong thực tiễn.
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị sửa lại trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh theo hướng Pháp lệnh chỉ điều chỉnh một số chi phí tố tụng chứ không phải tất cả các chi phí tố tụng để bảo đảm được những chi phí chưa thể đưa vào trong dự thảo Pháp lệnh này. Quy định như vậy sẽ thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện của các cơ quan được giao nhiệm vụ.
Đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần quy định các chi phí nhằm bảo đảm hoạt động cho các cơ quan tố tụng; tạo điều kiện tối đa cho ngành Tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, đồng thời bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh không ủy quyền cho một cơ quan khác quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, thực tiễn cần phải có quy định về định mức chi, tiêu chuẩn chi, cách chi đúng.
"Nên chăng Pháp lệnh này chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào thì sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan tổ chức liên quan phải quy định mức chi rồi dự toán chi cụ thể", ông Vương Đình Huệ nói.
Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần quy định thêm các chi phí khác vào dự thảo Pháp lệnh này. Nếu phát sinh thêm trong thực tiễn các chi phí khác thì sau này sẽ tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận thấy, nếu không quy định thêm thì sẽ gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận