Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng liên quan đến công tác giao vốn bảo trì, triển khai thực hiện từ năm 2022. Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị, việc giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt sẽ thực hiện cơ chế giao vốn, đặt hàng theo đúng Luật Ngân sách và Nghị định 32/2019.
Công nhân duy tu sửa chữa, bảo trì đường sắt
Hoàn thành khối lượng 6 tháng
Bộ GTVT vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ liên quan việc triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) Quốc gia năm 2021.
Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 24/5, Bộ GTVT đã ký hợp đồng đặt hàng với TCT Đường sắt VN và đến nay, công tác đặt hàng toàn bộ công việc quản lý, bảo trì KCHTĐS Quốc gia năm 2021 đã được hoàn thành.
Trao đổi với Báo Giao thông về kết quả triển khai thực hiện hợp đồng đặt hàng sau hơn 2 tháng ký kết, ông Hoàng Gia Khánh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, dù việc ký hợp đồng đặt hàng diễn ra chậm khoảng 5 tháng so với các năm trước, nhưng việc triển khai cơ bản thuận lợi.
Sau khi ký hợp đồng với các công ty bảo trì, TCT Đường sắt VN đã tạm ứng tiền, các công ty triển khai, thực hiện duy tu, đảm bảo an toàn, chi trả lương CBCNV đầy đủ.
Thông tin cụ thể, ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường sắt Hà Lạng cho biết, ngày 24/5, Bộ GTVT ký hợp đồng đặt hàng với TCT Đường sắt VN thì chỉ 4 ngày sau, TCT đã ký hợp đồng đặt hàng với Công ty CP Đường sắt Hà Lạng.
Đến đầu tháng 6 được tạm ứng vốn 50%, công ty đã chi trả lương người lao động, trả vay ngân hàng cũng gần hết, còn lại mua vật tư.
“Công ty đã hoàn thành kế hoạch bảo dưỡng 6 tháng. Cơ bản về thực hiện hợp đồng đặt hàng bảo trì không có vướng mắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên TCT Đường sắt VN chưa đi nghiệm thu được, vì thế cũng chưa thể thanh toán, giải ngân”, ông Khoa cho hay.
Ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Bình cho biết, đầu năm, khi chưa có vốn tạm ứng phải vận dụng các nguồn vốn, kể cả vay thương mại để duy trì hoạt động SXKD, thực hiện bảo dưỡng, đảm bảo an toàn đường sắt theo kế hoạch tạm thời. Sau khi ký hợp đồng, được ứng vốn và có phương án giá Bộ GTVT phê duyệt thì điều chỉnh lại.
Có vốn tạm ứng, công ty đã trả cho người lao động được khoảng 80% lương, sau khi nghiệm thu, thanh toán sẽ tính được tiền công cụ thể, chi trả nốt.
“Đến nay công ty đã chuẩn bị các thủ tục để nghiệm thu, thanh toán khối lượng 6 tháng. Nhưng do dịch Covid-19, TCT Đường sắt VN chưa thể cử cán bộ vào để nghiệm thu”, ông Sơn nói.
Triển khai vốn bảo trì theo cơ chế đặt hàng
Công nhân sửa chữa cầu Long Biên
Liên quan đến công tác giao vốn bảo trì, triển khai thực hiện từ năm 2022, tại báo cáo trình Thủ tướng, Bộ GTVT kiến nghị, việc giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đối với công tác bảo dưỡng công trình, thực hiện đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 32/2019.
Theo đó, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt VN đặt hàng với TCT Đường sắt VN thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì KCHTĐS Quốc gia.
Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS Quốc gia do Nhà nước đầu tư. Đây thực sự là văn bản pháp lý quan trọng, là cơ sở để thực hiện việc giao vốn, triển khai. Trong Đề án có nhiều nội dung liên quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, tổ chức giao dự toán bảo trì, đặt hàng… Nếu được duyệt, công tác giao dự toán, thực hiện vốn bảo trì đường sắt sẽ thực hiện theo Đề án. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt.
Ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT
Đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất và công tác khác, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT cho hay, việc giao vốn bảo trì năm 2021 cũng đang thực hiện theo Luật Ngân sách.
Bộ Tài chính giao dự toán về Bộ GTVT, Bộ GTVT giao dự toán cho Cục Đường sắt VN. Trên cơ sở đó, Cục Đường sắt VN ký hợp đồng đặt hàng thực hiện với các đơn vị phù hợp theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đối với việc thực hiện vốn bảo trì năm 2021, Chính phủ chỉ đạo và TCT Đường sắt VN cũng có nguyện vọng ký hợp đồng đặt hàng trực tiếp với Bộ. Vì vậy, Cục trưởng Cục Đường sắt VN thay mặt Bộ ký hợp đồng đặt hàng với TCT.
“Tuy nhiên, sang năm 2022, thay vì Bộ GTVT ký hợp đồng đặt hàng thì Bộ giao cho Cục Đường sắt VN ký hợp đồng”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, trước đây Bộ GTVT giao thẳng vốn cho TCT Đường sắt VN vì đơn vị này khi đó còn trực thuộc Bộ. Năm 2020 tiếp tục giao vốn do vẫn còn một số vướng mắc từ các quy định pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ.
Từ năm 2021, Bộ không giao cho TCT Đường sắt VN nữa mà đặt hàng, còn dự toán vẫn giao về Cục Đường sắt VN theo đúng Luật Ngân sách.
Còn tại sao lại thực hiện theo hình thức đặt hàng, ông Minh cho rằng, Nghị định 32/2019 quy định rõ hình thức thực hiện vốn bảo trì hạ tầng đối với các lĩnh vực giao thông.
Với bảo trì đường bộ, đường thủy, hàng không phải thực hiện theo hình thức đấu thầu. Nhưng với bảo trì đường sắt thì thực hiện đặt hàng vì hạ tầng đường sắt hiện nay lạc hậu, lại là đường đơn.
“Đây là đặt hàng của cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ bảo trì. Bản chất thì tiền vốn và dự toán vẫn của cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Cục Đường sắt VN được Bộ giao vốn, TCT Đường sắt VN thực hiện hợp đồng đặt hàng, công tác thanh, quyết toán đều phải thông qua kho bạc. Còn Cục Đường sắt VN sẽ là cơ quan kiểm soát, thực hiện các thủ tục liên quan để đơn vị bảo trì thanh toán tại kho bạc”, ông Minh nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận