Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng và VCCI vừa phối hợp tổ chức, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FECON cho rằng, hiện đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước đang cố gắng giảm tối đa vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP giao thông, nhất là các tuyến cao tốc.
Điều này dẫn đến tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (Irr) của các dự án thấp (~11%), không hấp dẫn ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Điều chỉnh cơ chế chia sẻ rủi ro trong quy định tại Luật PPP hiện tại là một trong những giải pháp nhà đầu tư đề xuất nhằm tăng tính hấp dẫn của các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư - Ảnh minh họa
“Từ thực tế đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, quy định nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án để Irr ≥12%. Để hấp dẫn các nhà đầu tư các dự án giao thông thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Chính phủ cũng cần nghiên cứu, ban hành chính sách để các địa phương giao mỏ vật liệu xây dựng (đất đắp, đá…) trực tiếp cho các nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp khai thác phục vụ dự án theo quy hoạch”, ông Khoa đề xuất.
Cũng theo ông Khoa, quy định tại Luật PPP và nghị định hướng dẫn liên quan hiện vẫn chưa đủ sức hút để huy động được nguồn lực rất lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.
Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế chia sẻ rủi ro không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực BOT đường cao tốc vì không có bảo lãnh doanh thu tối thiểu mà chỉ chia sẻ 50% khi doanh thu giảm dưới 75% so với phương án tài chính kèm theo nhiều quy định ràng buộc phức tạp.
Cam kết về biến động tỷ giá và chỉ đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ ở mức 30% doanh thu dự án cũng chưa có, gây khó khăn trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài huy động vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài bằng ngoại tệ.
Lãnh đạo FECON kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đối với các dự án PPP trọng điểm như: Hình thành gói tín dụng ưu đãi phù hợp để cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đường bộ cao tốc hoặc phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của chính phủ để huy động vốn cho dự án; Lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện một số dự án quan trọng, trong đó, có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, năng lực.
Chính phủ cũng cần ban hành cơ chế chia sẻ rủi ro khả thi, đảm bảo nhà đầu tư tư nhân và nhà nước cùng nhận được hiệu quả đầu tư hoặc rủi ro tương ứng tỷ lệ tham gia; xem xét sửa đổi nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho các mục đích: Hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP; Chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (quy định hiện tại, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án).
Bên cạnh đó, cần thiết kế cơ chế đảm bảo để phù hợp yêu cầu của các tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án theo thông lệ quốc tế; Xây dựng cơ chế riêng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia tại các dự án hạ tầng, dự án an sinh xã hội.
Các nhà đầu tư cũng có một số kiến nghị để thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP giao thông như: điều chỉnh nội dung quy định về việc xem xét bổ sung quy định lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời gian thi công để tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án PPP; Xây dựng quy chế về quản lý ngoại tệ tại dự án PPP, quy định về mẫu hợp đồng thực hiện dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài; Có hướng dẫn chi tiết trong việc doanh nghiệp dự án PPP phát hành trái phiếu dự án; Bổ sung các văn bản hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp PPP trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án, quản lý chi phí dự án,…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận