Hạ tầng

Ưu tiên đầu tư khép kín các tuyến vành đai hậu Covid-19

27/11/2021, 16:36

Sau "bão" Covid-19, TP.HCM đang lên danh sách các dự án giao thông ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025...

“Cửa ngõ” TP.HCM vẫn thường xuyên ùn tắc

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP.HCM những ngày này đã trở lại “bình thường mới” sau khoảng thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các tuyến đường ra - vào những khu vực cảng như Cát Lái, Hiệp Phước không còn đìu hiu như trước mà nhộn nhịp những đoàn xe container nối đuôi nhau vận chuyển hàng.

img

Đoạn 3 tuyến Vành đai 2 được đầu tư theo hình thức BT từ năm 2017 nhưng đến nay vướng mặt bằng, thủ tục vẫn chưa hoàn thiện

Anh Nguyễn Văn Được, một tài xế xe container cho biết, các hoạt động vận tải hàng hóa tại khu vực cảng đã thuận tiện hơn, bốc xếp hàng nhanh hơn so với giai đoạn dịch Covid-19.

“Những ngày gần đây, lượng hàng xuất nhập khẩu tăng trở lại, nhưng vẫn chưa đạt đỉnh so với trước, vì vậy lượng xe ra vào cảng cũng ít hơn, tài xế mỗi ngày cũng quay được vài chuyến”, anh Được nói.

Tuy vậy, hiện nay các “cửa ngõ” ra - vào các cảng ở TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập, nếu không được giải quyết sớm thì bài toán ùn tắc, kẹt xe sẽ quay trở lại khi kinh tế phục hồi.

Mới đây nhất, ngày 19/11, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết đã ký văn bản gửi Sở KH-ĐT đăng ký chuẩn bị lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án cấp bách.

Trong danh sách đề xuất chủ trương đầu tư năm 2022, TP.HCM sẽ ưu tiên đưa 3 đoạn còn lại của tuyến Vành đai 2 vào để đầu tư khép kín.

Trong đó, có đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng. Hai đoạn này được đầu tư, khép nối với đoạn 3 (từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa trên QL1 đang được xây dựng) sẽ mở thông cửa ngõ từ cảng Cát Lái đi ra các tỉnh Bình Dương, Bình Phương và lên Tây Nguyên.

Khi hoàn thành các đoạn này, phương tiện container chở hàng xuất nhập khẩu sẽ không phải đi vòng qua QL1, Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ rồi mới vào được Cát Lái thường ùn tắc hàng kilomet. Tổng vốn đầu tư của 2 đoạn tuyến này khoảng hơn 17.000 tỷ đồng với chiều dài hơn 6km.

Đoạn thứ 4 của Vành đai 2 với chiều dài 5,3km từ QL1 đến đường Nguyễn Văn Linh quận 7 cũng được đề xuất chủ trương đầu tư ngay trong năm 2022.

“Việc đầu tư đường Vành đai 2, xây dựng cầu Phú Định qua sông Chợ Đệm nhằm khép kín đường Vành đai 2 nhánh phía Tây thành phố, tạo hành lang vận tải hàng hoóa từ các KCN phía Tây, Tây Bắc đi cảng Hiệp Phước, Cát Lái, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thị, giảm ùn tắc qua cửa ngõ phía Tây”, lãnh đạo Sở GTVT thông tin.

Đề xuất chuyển các dự án vốn PPP sang đầu tư công

Tìm hiểu của PV, trong danh sách 59 dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn từ 2022 - 2025, Sở GTVT đặt các dự án Vành đai lên hàng đầu.

Ngoài khép kín 3 đoạn còn lại của Vành đai 2, Sở GTVT còn đề xuất đầu tư Vành đai 3, trong đó ưu tiên vốn GPMB cho đoạn tuyến 1A dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Đây là đoạn đầu tiên của Vành đai 3 đi qua thành phố. Đoạn tuyến này dự kiến khởi công đầu năm 2022 bởi nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc. Ngân sách thành phố sẽ chi khoảng gần 1.600 tỷ đồng để GPMB.

Đáng chú ý trong các đề xuất này, TP.HCM sẽ chuyển các dự án trước đây đã từng có chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa sang đầu tư công. Kể cả dự án đầu tư tuyến Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Các dự án này trước đây có chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, nhưng mới đây UBND TP.HCM sau khi lấy ý kiến các địa phương cũng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư đường Vành đai 3.

Theo đánh giá của các địa phương, việc đầu tư Vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư và sử dụng vốn ngân sách của các địa phương để giải phóng mặt bằng rất khó khăn, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.

Thời gian hoàn vốn cho dự án kéo dài 29 năm, khó hấp dẫn nhà đầu tư, tính khả thi chưa cao. Chi phí GPMB và đường song hành hai bên của dự án rất lớn, 4 tỉnh, thành chưa thể cân đối vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng khiến TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ảnh hưởng nghiêm trọng về thu ngân sách.

Do vậy, các địa phương kiến nghị bố trí 83.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư các dự án này.

Các địa phương cũng đề xuất, trường hợp không cân đối đủ kinh phí, Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí GPMB khoảng 46.971 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp.

Theo kết quả nghiên cứu, đường Vành đai 3 có chiều dài gần 90km, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, có thêm hai đường song hành hai bên.

Tổng mức đầu tư hơn 177.710 tỷ đồng, tuy nhiên đây chỉ mới là đề xuất của các địa phương.

Trong các dự án đề xuất đầu tư mà Sở GTVT đề xuất, nhóm khả thi nhất là các dự án thuộc danh mục đề án thu phí khu vực cảng biển; Các dự án như xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến Vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Nguyễn Duy Trinh để thông thoáng đường vào cảng Cát Lái; Xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam để vào cảng Hiệp Phước; Xây dựng đường D7 từ Khu công nghệ cao vào cảng Phú Hữu.

Tổng mức đầu tư các dự án này khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư đã được xác định là từ nguồn thu phí hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương.

Trong năm 2022 khi kinh tế phục hồi, các hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại, thành phố có thể thu phí hạ tầng cảng biển và triển khai đầu tư theo lộ trình.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.