Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT đầu tư Cảng hàng không Điện Biên với quy mô và tổng mức đầu tư giảm tới khoảng 3 lần so với kế hoạch trước đây của chính doanh nghiệp này.
Chưa xây mới nhà ga công suất 2 triệu khách
Theo Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, doanh nghiệp này vừa phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát tính toán lại quy mô và tổng mức đầu tư của dự án CHK Điện Biên. Theo đó, ACV đề xuất Bộ GTVT xây mới đường cất hạ cánh (CHC) tại đây với kích thước 2400 x 45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo 1 vị trí đỗ ATR72 và 2 vị trí đổ A320/A321.
Tại khu hàng không dân dụng, trước mắt chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu mà chưa xây mới. Trên cơ sở quy mô dự kiến đầu tư (tính đồng bộ cả đường lăn, sân đỗ ô tô, hệ thống dẫn đường…), tư vấn lập sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.539 tỷ đồng (chưa tính chi phí GPMB), trong đó, chi phí đầu tư khu bay gần 1.000 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng hơn 256 tỷ đồng. Số còn lại là chi phí dự phòng.
Tìm hiểu của PV, đề xuất đầu tư sân bay Điện Biên của ACV giảm mạnh cả về quy mô cũng như tổng mức đầu tư so với đề xuất trước đây của chính ACV. Cụ thể, cuối 2019, ACV báo cáo Bộ GTVT về phương án đầu tư sân bay Điện Biên, trong đó có việc xây dựng mới đường cất, hạ cánh dài 2.400m, hệ thống đường lăn, đường lăn nối, đường lăn song song cũng như hệ thống đèn tiếp cận CAT 1.
Tại khu hàng không dân dụng, sẽ xây dựng nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng 2 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng 6 vị trí đỗ máy bay A320/321 và tương đương. Dự kiến tổng mức đầu tư xây mới toàn bộ sân bay này vào khoảng 4.787 tỷ đồng. Trong đó, công trình khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng, các hạng mục thiết yếu công trình khu hàng không dân dụng dự kiến 1.700 tỷ đồng.
Các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỷ đồng. Công tác GPMB đã được UBND tỉnh Điện Biên nhất trí thực hiện dự kiến 1.532 tỷ đồng.
Vì sao lại thay đổi?
Lý giải về sự thay đổi này, ông Thanh cho hay, nhà ga hành khách hiện hữu tại sân bay này được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Thực tế, tại một số cảng hàng không hiện hữu do ACV khai thác, việc chuyển từ khai thác tàu bay ATR72 sang khai thác các loại tàu bay A320/321 và tương đương đều có đột biến về sản lượng khai thác.
CHK Điện Biên hiện tại là cảng nội địa, cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Nhà ga hành khách hiện tại cũng được xây dựng từ năm 2004 với công suất 300.000 hành khách/năm.
Tuy nhiên, với việc đánh giá quy mô và khả năng phát triển dân số tại địa phương và dự báo tăng trưởng của thị trường cũng như năng lực khai thác, phát triển các tuyến và mạng đường bay đi và đến Điện Biên, việc đầu tư ngay nhà ga công suất 2 triệu hành khách/năm theo quy hoạch là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 làm thay đổi mạnh về quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Do đó, để đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác, chất lượng dịch vụ, đơn vị tư vấn đề xuất trước mắt chưa xây dựng nhà ga mới theo quy hoạch mà chỉ cải tạo, mở rộng nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm.
Việc đầu tư nhà ga hành khách công suất 2 triệu hành khách/năm theo quy hoạch, sẽ được ACV tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng trên cơ sở sản lượng khai thác khu bay mới được đầu tư xây dựng.
Được biết, trên cơ sở phân tích về sản lượng hành khách và quy mô đầu tư, đơn vị tư vấn kiến nghị 2 phương án đầu tư. Phương án 1, ACV đầu tư toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được UBND tỉnh Điện Biên thực hiện GPMB, bàn giao.
Phương án 2, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được UBND tỉnh Điện Biên GPMB, bàn giao; tỉnh Điện Biên đầu tư khu bay bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giao cho ACV khai thác.
“Trong 2 phương án này, để đảm bảo tính khả thi, ACV kiến nghị đầu tư theo phương án 1”, ông Thanh cho biết.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia hàng không cho hay, khu bay ở các sân bay đều xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục đã xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực khai thác cũng như uy hiếp an toàn bay. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước dành cho đầu tư các công trình hàng không còn rất hạn chế.
Trong khi đó, ACV là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tỷ lệ vốn nhà nước chi phối gần như tuyệt đối (95,4%); có năng lực, kinh nghiệm, có đủ nguồn lực tài chính đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án.
Mặt khác, theo quy hoạch được phê duyệt, khu bay cũ của Cảng hàng không Điện Biên sẽ không được sử dụng. Do đó, việc xây dựng khu bay mới bằng nguồn vốn doanh nghiệp (ACV - doanh nghiệp quản lý khai thác Cảng hàng không Điện Biên) phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, cần có phương án xử lý phần tài sản công tại khu bay hiện hữu trong phương án GPMB của UBND tỉnh Điện Biên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận