Liên quan đến lùm xùm về công nợ giữa các nhà thầu tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vừa có phản hồi chính thức với vai trò là đơn vị quản trị điều hành dự án.
Tập đoàn Đèo Cả khẳng định không liên quan đến công nợ giữa các nhà thầu tham gia thi công dự án Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh minh họa
Theo Tập đoàn Đèo Cả, được sự đồng thuận của người dân, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền các cấp, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã vượt qua nhiều khó khăn để cán mốc khánh thành và đưa vào vận hành khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, được chia thành 36 gói thầu xây lắp. Trong quá trình thi công, Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình Tây An (Công ty Tây An) để thực hiện một phần công việc thuộc gói thầu XL-11A.
Trong quá trình thi công, giữa Công ty Tây An và nhà cung cấp là Công ty TNHH xây dựng và vận tải Nguyễn Vinh (Công ty Nguyễn Vinh) đã xảy ra tồn đọng công nợ là hơn 15,5 tỷ đồng.
“Công nợ giữa Công ty Tây An và Công ty Nguyễn Vinh phát sinh từ các hợp đồng kinh tế/mua bán hai bên ký kết với nhau, gồm: Hợp đồng kinh tế số 2805/2019/HĐKT ngày 28/05/2019 về việc cung cấp vật liệu cát đắp và Hợp đồng kinh tế số 0805/HĐKT /NV.2020 ngày 08/05/2020 về việc mua bán vật liệu cấp phối đá Dmax25. Đèo Cả không can thiệp vào công việc giữa hai bên và không liên quan đến công nợ này”, Tập đoàn Đèo Cả khẳng định.
Mặc dù vậy, Tập đoàn Đèo Cả lại trở thành đối tượng để Công ty Nguyễn Vinh đòi nợ và kêu gọi một số nhà cung cấp khác ký gửi đơn thư tập thể tố cáo, kêu cứu đến nhiều cơ quan (Văn phòng Chính phủ, Viện KSND tối cao, tỉnh Tiền Giang…) với nội dung tố cáo Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chiếm đoạt tiền của nhà cung cấp.
“Các đơn vị này cũng cung cấp thông tin cho một số cơ quan báo chí, trang tin điện tử đưa tin Tập đoàn Đèo Cả nợ tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Họ cũng tổ chức tụ tập, căng băng rôn biểu tình với nội dung tương tự dù trước đó, ngày 21/01/2022, Công ty Tây An đã có văn bản số 404/TA khẳng định Tập đoàn Đèo Cả không liên quan đến công nợ nói trên. Đối với sản lượng thực hiện của Tây An, phía Đèo Cả đã hoàn thành việc thanh toán cho Tây An theo hợp đồng”, Tập đoàn Đèo Cả thông tin, đồng thời cho biết, đối với đơn thư từ Công ty TNHH XD&VT Nguyễn Vinh, cơ quan chức năng cũng đã xác định đây là tranh chấp dân sự nhưng các hành vi nêu trên không chấm dứt mà vẫn liên tục tiếp diễn.
“Trước hành vi của Công ty Nguyễn Vinh, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ và kết luận công khai để các cấp có thẩm quyền và dư luận có góc nhìn thấu đáo, đúng bản chất sự việc”, một lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả bức xúc nói.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km, tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Dự án được khởi công tháng 2/2015, song, do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng nên gần 4 năm, dự án chỉ thi công được khoảng 10% khối lượng. Đầu tháng 3/2019, các nhà đầu tư dự án đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào quản trị, điều hành.
Đến ngày 27/4/2022, dự án chính thức được khánh thành và đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính, không thu phí bắt đầu từ ngày 30/4/2022, dự kiến trong 60 ngày, với tốc độ tối thiểu 60 km/h và tốc độ tối đa 80 km/h.
Việc dự kiến chạy trong 60 ngày được xem là thời gian để đơn vị vận hành dự án triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận