Hàng hải

Địa phương chi lớn hút tàu container

08/03/2023, 08:02

Sau thí điểm hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến, các tỉnh miền Trung bước đầu thu hút một số hãng tàu container mở tuyến vận tải.

Tàu container tới cảng được hỗ trợ hàng trăm triệu

Từ tháng 1/2023, hãng tàu lớn nhất thế giới CMA - CGM chính thức mở lại tuyến vận tải ghé Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau hơn 1 năm gián đoạn.

Trước đó, CMA - CGM từng mở tuyến tới cảng Nghi Sơn sau khi Thanh Hóa có nghị quyết về hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn.

Các hãng tàu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ 500 triệu đồng/chuyến cho tàu container tuyến quốc tế và 300 triệu đồng/chuyến cho tàu container nội địa.

img

Hãng tàu Biển Đông thực hiện những tuyến vận tải tới Cảng Nghi Sơn. Ảnh: CNS

Ông Lê Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn cho biết, không riêng CMA - CGM, các tàu của Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cũng mở tuyến đến Nghi Sơn.

Trước khi có chính sách hỗ trợ, ở Cảng Nghi Sơn chỉ có tàu hàng rời. Việc tàu container ghé cảng này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển hàng, bởi không phải đóng container chở ra Hải Phòng.

Tuy nhiên, hiện mới có hàng xuất khẩu, chưa có hàng nhập khẩu nên hãng tàu cũng cắt giảm chuyến. Hàng xuất khẩu hiện nay phải dồn chuyến để gom hàng nên mỗi chuyến được khoảng 400 Teu.

Tương tự, tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến cho các hãng tàu vận chuyển container trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt, hãng tàu tới cảng vẫn duy trì 2 chuyến/tháng. Lượng hàng có sự tăng trưởng nhưng chưa lớn.

Trước đây, một tàu bốc xếp chuyến được khoảng 15- 30 container, giờ đã được khoảng 40-80 container, bao gồm 2 chiều xếp dỡ và nâng lên. Nguyên nhân bởi đặc thù ở Hà Tĩnh không thường xuyên có hàng container.

Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, chính sách hỗ trợ thời gian đầu đang có dấu hiệu tích cực sau khi hãng tàu Hải An chính thức mở tuyến đến Cảng Chân Mây từ cuối năm 2022.

Tỉnh này dự kiến chi hơn 18 tỷ đồng cho dự án thí điểm hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến. Hãng tàu biển, đại lý thực hiện trả hoặc bốc hàng tại Cảng Chân Mây với tần suất tối thiểu 2 chuyến mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến.

Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, trong tháng 1, 2/2023, sản lượng hàng container qua cảng Chân Mây tăng trưởng khi bốc xếp được lần lượt là 204 Teu và 306 Teu (container nội địa), tương ứng 3.993 - 6.295 tấn hàng.

Dù có khởi đầu tích cực, song lãnh đạo Cảng Chân Mây cho biết vẫn chưa kết nối được nguồn hàng xuất khẩu. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là hàng nội địa.

Nguồn hàng vẫn chưa nhiều

Qua một thời gian chi ngân sách để thu hút các hãng tàu container, dù sản lượng hàng qua cảng tại các địa phương đều tăng trưởng nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập.

Tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Anh Tuấn vẫn bày tỏ trăn trở khó gom hàng container tại địa phương dù hạ tầng giao thông kết nối và trang thiết bị, hạ tầng tại cảng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu.

“Hàng container tại Hà Tĩnh có số lượng không lớn, lượng hàng rải rác. Khi có 1-2 container, họ thuê xe chở luôn ra Hải Phòng, ít khi gom hàng để chờ tàu”, lãnh đạo cảng Việt - Lào nói.

Tương tự, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa Đặng Văn Ba cho hay, vướng mắc lớn nhất là các hãng tàu chưa có tuyến cố định nên doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa có niềm tin để thay đổi tuyến vận chuyển.

Hàng container trước đây thường đưa ra Hải Phòng, mỗi ngày đều có tàu nên thuận tiện cho nhu cầu vận chuyển với thời gian gấp, thường xuyên.

Trong khi tại Thanh Hóa, phải vài tuần mới có tàu container. Do đó, tại cảng Nghi Sơn chưa thu hút được nguồn hàng.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông - hãng tàu mở tuyến đến Cảng Nghi Sơn cho hay, các hãng tàu đều muốn tàu phải khai thác hiệu quả, muốn có sản lượng hàng cụ thể mới đưa tàu vào.

Trong khi, chủ hàng cũng muốn hãng tàu cam kết có lịch cố định thường xuyên mới thay đổi phương thức xuất hàng, đưa hàng về Nghi Sơn. “Hai bên chưa gặp được nhau nên lượng hàng chưa nhiều”, vị này nói.

Theo các chuyên gia, để hãng tàu xây dựng tuyến cố định vào cảng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay đổi thói quen vận chuyển cần có thêm thời gian.

Trước mắt, các doanh nghiệp cảng và địa phương cần lên các phương án từ đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách hải quan, ưu đãi giá bốc xếp ở mức thấp nhất...

Trong khi Cảng Chân Mây đang mở rộng kho bãi để đáp ứng lượng hàng container thì tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ trông chờ khi QL8 và QL8C đã được tỉnh Hà Tĩnh triển khai cải tạo, nâng cấp.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn Lê Hồng Phong thông tin, lực lượng hải quan vẫn ưu tiên tối đa cho việc giải phóng hàng, thực hiện 24/7 với tàu để doanh nghiệp được làm hàng nhanh nhất, tiết kiệm thời gian thông quan. Hải quan cũng hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế 24/7, thực hiện các thủ tục thông qua hệ thống điện tử.

“Tàu hàng container nhập khẩu chủ yếu là khách nước ngoài và họ có quyền chỉ định tàu. Doanh nghiệp Việt Nam không quyết định được việc tàu đi về cảng nào. Do đó, cần thời gian để chủ hàng nước ngoài biết đến những tuyến dịch vụ, thay vì chỉ tới Hải Phòng, TP.HCM hay Cái Mép.

Doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm

Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, hãng tàu đang duy trì 2 chuyến/ tuần.

Trước đây, doanh nghiệp có hàng thường phải vận chuyển ra Đà Nẵng, Hải Phòng hoặc TP.HCM nên chi phí vận chuyển lớn. Còn nay, với các doanh nghiệp có nhiều hàng, khi xuất phát từ Cảng Chân Mây sẽ rút ngắn quãng đường vận chuyển, giúp tiết kiệm được khoảng 3-5 tỷ đồng/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.