Khi hoàn thành, tuyến đường tạo điều kiện thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa của bà con nông dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa đến trung tâm TP Cần Thơ và ngược lại.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, ĐT922 đang sắp đi vào hoàn thiện, chỉ còn lại những mố cầu "chờ lún" vừa xong thời gian quy định.
Việc trải nhựa mặt đường lớp cuối cùng sẽ triển khai vào đầu tháng 10/2021.
Theo đơn vị thi công, việc trải nhựa mặt đường lớp cuối cùng sẽ triển khai vào đầu tháng 10/2021. Và cũng trong tháng này sẽ cho thông xe trên toàn tuyến.
Ông Nguyễn Bá Cường, Chỉ huy công trình ĐT922 cho biết tiến độ bàn giao bị chậm trễ so với dự kiến ban đầu.
"Một phần là do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, anh em công nhân không làm việc được. Thêm nữa là do thiếu vật tư như cát, đá nên tiến độ cũng bị ách lại.
Ngoài ra việc vận chuyển vật liệu khó khăn trong mùa dịch Covid-19 khi có nhiều chốt trạm, có phần chậm trễ khi giao nhận vật tư.
Còn một số anh em còn ở lại với công trình như lái xe, giám sát, thợ sửa xe, một vài anh em công nhân ở tỉnh xa không về nhà được... và chúng tôi cũng duy trì nguồn lực này làm việc để tạo điều kiện công ăn việc làm trong mùa dịch. Và cũng là để cố gắng đẩy nhanh tiến độ, bàn giao công trình lại cho chủ đầu tư", ông Cường phân trần.
ĐT922 đoạn qua địa bàn quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Các công nhân ăn ở tại chỗ, làm việc cho công trình thì nhà thầu lo toàn bộ chi phí và đảm bào đúng theo nguyên tắc “5K", "3 tại chỗ”.
Hỏi về việc tiêm vaccine cho anh em ở công trình, ông Cường cho biết số người còn ở lại công trình là 12 người, đã có 8 người được tiêm mũi 1, còn lại chưa được tiêm vaccine.
"Cũng mong sao có đủ vaccine để tiêm cho anh em công trường thì làm việc sẽ được an tâm hơn trong mùa dịch bệnh Covid-19 này", ông nói.
Hiện tại chỉ còn lại 5 cây cầu (Tắc Ông Thục, Trà Luộc, KH 8, Mương Huyện, Vàm Nhon) có mố cầu chưa hoàn thiện và "chờ lún" đã xong.
"Đơn vị sẽ tiếp tục thi công cho đến đầu tháng 10/2021 sẽ trải nhựa, hoàn thiện toàn tuyến để bàn giao lại cho chủ đầu tư thông xe", ông Cường cho biết thêm.
Theo Ban Quản lý dự án TP Cần Thơ, giá trị dự toán xây dựng công trình ĐT922 hơn 935,15 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 890 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án hơn 8,49 tỷ đồng, còn lại là chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng...
Công trình thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện công trình theo dự tính ban đầu là từ năm 2017-2020. UBND TP Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án) có trách nhiệm tổ chức triển khai dự án.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông trên ĐT922.
Điểm đầu tuyến giao QL91B (tại Km12+583) và điểm cuối tuyến cầu Kênh Ngang thuộc ĐT922 (tại Km22+434). Tổng chiều dài tuyến hơn 29km; gồm 3 đoạn: đoạn 1 dài hơn 10,75km (đoạn tuyến xây mới, từ điểm giao QL91B đến điểm giao với tuyến tránh thị trấn Thới Lai); đoạn 2 dài hơn 5,81km (tuyến tránh thị trấn Thới Lai, đoạn tuyến xây mới); đoạn 3 dài hơn 12,51 km (đoạn tuyến nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT922 hiện hữu, từ cầu Cồn Chen đến cầu Kênh Ngang).
Con đường được thiết kế cho đoạn 1 và đoạn 3 (trừ đoạn cuối tuyến qua trung tâm thị trấn Cờ Đỏ từ Km12+240 ÷ Km12+469,45) có nền đường rộng 12m (bề rộng mặt đường 7m, bề rộng lề gia cố 2x2m, bề rộng lề không gia cố 2x0,5m).
Còn lại đoạn 2 (tuyến tránh thị trấn Thới Lai) và đoạn cuối tuyến qua trung tâm thị trấn Cờ Đỏ từ Km12+240 ÷ Km12+469,45 có bề rộng mặt đường 12m (1/2 đơn nguyên mặt đường hoàn chỉnh theo quy hoạch), bề rộng lề gia cố 2x2,5m, bề rộng lề không gia cố 2x0,5m.
Ngoài ra, trên tuyến còn có 17 vị trí xây dựng cầu bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, 30 vị trí xây dựng cống qua đường (cống tròn và cống hộp bằng bê tông cốt thép), 8 nút giao đồng mức... Cấp kỹ thuật công trình là cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận