Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Mỹ đã lập ra các khối liên minh quân sự nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và tác động của chiến thắng này tới các nước xung quanh.
Chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ có vị trí, ý nghĩa như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước ta, thưa ông?
Đây là một trong những chiến thắng vang dội của dân tộc ta trước các thế lực xâm lược hùng mạnh. Như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đây là một mốc bằng vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 có thể sánh với những chiến thắng hết sức vẻ vang trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc như chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang...
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sau này, rất nhiều các nhà quân sự quốc tế đã đưa bài học về chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam vào giáo trình giảng dạy trong các học viện quân sự trên thế giới.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa tên tuổi Việt Nam và vùng đất Điện Biên Phủ cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào lịch sử của phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
Chiến thắng đã làm cho Việt Nam trở thành một tấm gương trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở hàng loạt các nước châu Phi cũng như sau này là một số nước châu Mỹ La Tinh.
Với người Pháp, đặc biệt là những người trong cuộc, họ nhìn nhận thế nào về sự kiện này?
Đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu của tác giả trong và ngoài nước viết về chiến thắng Điện Biên Phủ. Người Pháp đã nhận ra là họ đã tiến hành cuộc chiến tranh phi chính nghĩa chống lại độc lập dân tộc của cả đất nước.
Rất nhiều các nhà quân sự Pháp đã từng thốt lên những lời cảm phục trước những tấm gương chiến đấu quả cảm của bộ đội Việt Nam.
Tướng De Castries (Đờ cát) đã nói về thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ như một tất yếu của quân đội viễn chinh đi xâm lược một đất nước, dân tộc khác. Một dân tộc quyết tâm hy sinh, chiến đấu để bảo vệ nền độc lập như Việt Nam thì thất bại của thực dân Pháp là điều tất yếu.
De Castries còn nói rằng "tôi lấy làm vinh dự khi đã từng là một đối thủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Thất bại ở Điện Biên Phủ chính là thất bại của chủ nghĩa thực dân cũ, thất bại của các thế lực đế quốc đi áp bức, bóc lột các dân tộc khác trên thế giới.
Một số nhận định của các chuyên gia thế giới cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Ông bình luận gì về nhận định này?
Đây là nhận định hoàn toàn chính xác. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đã khích lệ nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên chống đế quốc xâm lược.
Từ năm 1954 đến năm 1964 đã có tới 17/22 nước thuộc địa của Pháp giành độc lập. Riêng ở Châu Phi năm 1960 đã có tới 17 quốc gia tuyên bố độc lập và lịch sử đã gọi sự kiện này là "Năm Châu Phi".
Không chỉ có vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược quân sự của các nước đế quốc nói chung và đặc biệt là chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ. Như vậy, rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động sâu sắc, làm thay đổi thế giới.
Chiến thắng của sức mạnh trí tuệ và lòng dân Việt Nam
Là người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, theo ông, những nguyên nhân nào đã dẫn đến chiến thắng "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" này?
Đã có rất nhiều công trình nói về nguyên nhân thắng lợi của quân đội và nhân dân ta ở Điện Biên Phủ cũng như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo tôi, điều tiên quyết ở đây là Đảng Cộng sản Việt Nam có đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn. Cùng với đó là đoàn kết được tất cả các lực lượng có thể đoàn kết được trong toàn bộ dân tộc.
Đồng thời, là khát vọng độc lập, hòa bình cháy bỏng của toàn dân tộc Việt Nam. Khát vọng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Cho nên chân lý của thời đại Hồ Chí Minh đã được sáng rõ qua chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đó là "không có gì quý hơn độc lập tự do".
Thưa ông, vì sao lại nói "Điện Biên Phủ - Chiến thắng của sức mạnh trí tuệ và lòng dân Việt Nam"?
Chúng ta đã có đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn. Nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã được phát huy cao độ, được nâng lên một tầm cao mới.
Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị lên chiến dịch thì Bác Hồ có căn dặn, chắc thắng thì mới đánh.
Do đó mà Bộ Tư lệnh đã có quyết định hết sức đúng đắn là "đánh chắc tiến chắc".
Đồng thời, tại cuộc chiến này, Đảng ta đã phát động một cuộc kháng toàn dân và toàn diện, chúng ta ta đánh giặc trên tất cả các phương diện, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.
Cùng với đó là những cuộc tiến công vào các cứ điểm của quân đội Pháp khắp các miền đất nước. Điều này làm phân tán lực lượng để thực dân Pháp không thể tập trung được vào Điện Biên Phủ.
Có ý kiến cho rằng, nếu ta thỏa hiệp với người Pháp thì sẽ có được độc lập mà không cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh trường kỳ 9 năm gian khổ như vậy. Chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Nhận định này là hoàn toàn không chính xác. Bởi thực dân Pháp từ 1945 đã quay lại xâm chiếm nước ta với một mưu đồ đô hộ nhân dân Việt Nam.
Tất cả những biện pháp mà chúng ta đã làm, như ký hiệp định Sơ bộ vụ 6/3/1946, ký Tạm ước 14/7/1946, nhằm cố gắng duy trì đàm phán, vãn hồi hòa bình.
Tuy nhiên, với dã tâm tái xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã liên tiếp gây hấn, gây ra các vụ xung đột trên phạm vi cả nước ta, đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành hiệp định Sơ bộ và Tạm ước 14/9/1946.
Dã tâm quay trở lại xâm lược của Pháp là không thay đổi. Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ được điều ấy.
Đêm 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến nêu rõ: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa".
Điểm qua những sự kiện như vậy, để thấy rằng, mọi vãn hồi hòa bình của Việt Nam vẫn không thể vượt qua dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Và chúng ta không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng để kháng chiến.
Xin ông cho biết, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 để lại những bài học sâu sắc, nguyên giá trị như thế nào đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
70 năm trôi qua nhưng những bài học lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn có giá trị đến ngày hôm nay và sẽ còn có giá trị rất lâu dài nữa.
Điều quan trọng nhất là phải có đường lối đúng đắn. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay phải có chủ trương, chính sách đúng đắn để đoàn kết được toàn bộ nhân dân.
Năm 1954, chúng ta chỉ có khoảng hơn 24 triệu người, ngày nay là hơn 100 triệu người. Nếu xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc thì chúng ta có thể đối phó với mọi hành động xâm lược của bất kể kẻ thù nào.
Lịch sử đã diễn ra như vậy, nếu tiếp tục tiếp bước tiếp đường lối đó thì chúng ta sẽ giữ được giang sơn gấm vóc vẹn toàn, không những thế còn phát triển hùng cường.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận