Vinalines bước đầu tái cơ cấu thành công, năm 2017 doanh thu đạt gần 16.000 tỷ đồng |
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dự kiến sẽ cổ phần hóa và IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) vào giữa năm 2018. Trước thềm cổ phần hóa, Vinalines đã tái cơ cấu, xây dựng chiến lược mới, phát triển theo cơ chế thị trường. Năm 2017, doanh thu của Vinalines đạt gần 16.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu gần 15%.
Mở tuyến mới, cung cấp dịch vụ vận tải trọn gói
Trong tháng 6/2017, Công ty Vận tải biển Container Vinalines (VCSC, thuộc Vinalines) mở thêm dịch vụ vận tải đường thủy bằng sà lan tuyến Hải Phòng - Việt Trì với tần suất 2-3 chuyến sà lan/tuần, vận chuyển hàng từ cảng Hải Linh về Hải Phòng. Đến hết năm 2017, sản lượng vận tải container tuyến Hải Phòng - Việt Trì đạt khoảng 1.000 TEUs sau 6 tháng đi vào hoạt động.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trước đó VCSC đã sử dụng sà lan vận chuyển hàng hóa hai chiều từ các cảng thuộc khu vực đến các cảng thuộc TP.HCM và một số ICD trên địa bàn để chuyển đi các tỉnh miền Trung, phía Bắc và ngược lại. Sau một năm đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển container bằng đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng hàng container bằng sà lan năm 2017 tại khu vực này đạt gần 15.000 TEUs (tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2016).
Việc “khơi thông dòng chảy” thủy nội địa ở khu vực phía Bắc và phía Nam của VCSC là một phần trong dịch vụ chuỗi, tích hợp hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics trọn gói nhằm nâng cao giá trị gia tăng mà Vinalines đang triển khai thực hiện, đồng thời góp phần giảm tải đáng kể áp lực lên hệ thống đường bộ theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Liên kết để tạo sức mạnh
Thời gian qua, Vinalines rất chú trọng tạo liên kết các công ty vận tải biển thành viên để gia tăng nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở thêm các tuyến vận tải mới. Điển hình là tuyến vận tải container đi Hong Kong là kết quả liên kết giữa Công ty Vận tải biển Container Vinalines và Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, hai đơn vị thành viên của Vinalines đã chính thức được khai trương trong quý III/2017. Các tàu container của hai công ty này sẽ vận chuyển khoảng 1.800 TEUs/1 chuyến vòng tròn 14 ngày theo hành trình “TP HCM - Hải Phòng - Hong Kong - Hải Phòng - TP HCM”, đi qua các cảng Tân Vũ, Tân Thuận và cảng HIT (Hong Kong). Đây là dịch vụ mới theo mô hình “liên minh các hãng tàu trên thế giới” nhằm duy trì lịch tàu thường xuyên tại các cảng.
Cũng theo mô hình trên, trước đó không lâu, tại Kuala Lumpur, Malaysia, các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Vinalines bao gồm: Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco), Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship, Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô đã ký kết hợp đồng khung với các tập đoàn lớn của Malaysia như: Petronas Chemicals Marketing Ltd, Hemat Marine Sdn Bhd về vận chuyển phân bón. Đội tàu vận tải biển của Vinalines sẽ vận chuyển phân bón từ Malaysia đi Thái Lan và Philipines. Sản lượng vận chuyển dự kiến tăng dần từ 1-2 triệu tấn/năm.
Năm 2017, Vinalines mở thêm một số tuyến vận tải biển trong nước và quốc tế |
Khai thác hiệu quả các cảng nước sâu
Đầu tháng 6/2017, tuyến vận tải ACS có lịch trình: Ấn Độ - Malaysia - Singapore - Cái Lân - Trung Quốc - Hàn Quốc có tần suất 1 tuần/chuyến được mở. Đây là kết quả của liên minh giữa HMM và GSL - hai hãng tàu lớn với các tuyến dịch vụ có mặt khắp nơi trên thế giới đến cảng container quốc tế Cái Lân (CICT). Việc đưa tàu container sức chở đến 5.000 TEUs vào khai thác tại CICT sẽ giúp khách hàng và hãng tàu tiết kiệm phần lớn chi phí vận tải và thời gian vận chuyển.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng trung chuyển quốc tế mà các hãng tàu lựa chọn và là một trong ba cảng nước sâu trong khu vực có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 14 nghìn TEUs. Hơn chục tuyến dịch vụ vận tải quốc tế, các hãng tàu vận tải container hàng đầu thế giới đã có mặt tại Cái Mép - Thị Vải. Đầu năm 2017, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) - liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cảng Sài Gòn và APM Terminal, đã tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk có sức chở lên đến trên 18.000 TEUs. Đây là tàu lớn nhất từ trước tới nay cập cảng biển Việt Nam.
Đầu tư cảng biển trọng điểm
Trong giai đoạn thị trường vận tải biển chưa có dấu hiệu phục hồi, kinh doanh khai thác đội tàu tiếp tục được thu hẹp. Nguồn lực được tập trung cho đầu tư, hoàn thiện sớm để đưa vào khai thác các bến mới ở các cảng biển có vị trí trọng điểm như Tân Vũ, Lạch Huyện ở phía Bắc, Tiên Sa ở miền Trung và Hiệp Phước ở khu vực phía Nam.
Một số kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Vinalines: - Sản lượng vận tải biển gần 25 triệu tấn, đạt 106,3% so với kế hoạch. - Sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 88 triệu tấn, đạt 113% so với kế hoạch. - Doanh thu đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, đạt 114,8 % so với kế hoạch. - Lợi nhuận hợp nhất đạt 515 tỷ đồng. |
Tháng 6/2017, dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 150m cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20 nghìn DWT cùng hệ thống công trình dịch vụ và thiết bị khai thác với công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn/năm. Đây cũng là một bước đánh dấu khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tái cơ cấu thành công một doanh nghiệp được tiếp nhận từ Vinashin trước đây.
Tháng 10/2017, cầu cảng số 2, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã được đưa vào khai thác. Với diện tích 54ha bao gồm 3 bến dài 800m cho tàu trọng tải 30 - 50 nghìn DWT (tấn), bãi hàng container; bãi và kho tổng hợp, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 8,7 triệu tấn/năm, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ trở thành cửa ngõ thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu của TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Những ngày đầu năm 2018, cảng Đà Nẵng đã hoàn thành và đưa vào khai thác bến cảng Tiên Sa giai đoạn 2 có thể đón tàu container trọng tải đến 50 nghìn DWT, tàu tổng hợp đến 70 nghìn DWT nhằm mục tiêu đến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 10 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 450 nghìn TEUs. Trong năm 2018, cảng Đà Nẵng đã đạt mốc 8 triệu tấn hàng hóa thông qua.
Đổi mới mô hình quản trị, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
Theo kế hoạch dự kiến, Vinalines sẽ tổ chức thực hiện IPO và chuyển thành công ty cổ phần vào giữa năm 2018. Cùng với thay đổi mô hình hoạt động, trong giai đoạn sắp tới, công ty mẹ sẽ triển khai mô hình quản trị hiện đại, tiên tiến, hệ thống đánh giá năng lực theo KPI và hệ thống trả lương theo 3Ps. Chủ trương trả lương theo chức danh và chất lượng/khối lượng công việc sẽ khuyến khích và đánh giá nhân lực một cách công bằng hơn.
Vinalines cũng đang xây dựng và phát triển hệ thống Business Intelligence (BI). Đây là hệ thống báo cáo quản trị thông minh hàng đầu thế giới đang được ứng dụng tại rất nhiều công ty lớn trên thế giới và cả những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. BI được thiết lập hỗ trợ chuyên sâu cho Ban lãnh đạo, giúp Ban Lãnh đạo của Vinalines đưa ra hướng đi đúng đắn và cấp thiết trong tình hình cạnh tranh kinh tế thị trường hiện nay.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, các cảng lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khai thác cảng. Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan để quản lý hàng hóa ra, vào đã được triển khai tại cảng Hải Phòng, Tiên Sa và cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT). Sự kết nối này được kỳ vọng không chỉ góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm áp lực công việc cho cơ quan Hải quan, mà còn thể hiện sự công khai, minh bạch, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận