Theo ông Giang Chấn Tây, Công ty TNNH MTV Bội Ngọc, thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (DNBL) luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề. "Nguyên nhân chính bởi những quy định trong Nghị định về xăng dầu hiện hành không có lợi cho DNBL, không công bằng đối với các chủ thể tham gia trên thị trường xăng dầu", ông Giang Chấn Tây nhấn mạnh.
DNBL xăng dầu luôn ở thế bất lợi trong việc thương thảo hợp đồng kinh doanh và dẫn đến DNBL luôn gặp khó khăn thua lỗ kéo dài. Chính vì vậy mà hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để sửa đổi Nghị định 83 và 95 cho hoàn thiện.
"Qua cơn khủng hoảng thiếu xăng dầu ở phía Nam, sau đó lan sang phía Bắc vừa rồi và chiết khấu thì tiệm cận 0 đồng dẫn đến DNBL xăng dầu phải đóng cửa do hết hàng và do thua lỗ không còn vốn để hoạt động kinh doanh", ông Tây chia sẻ.
Đến nay nghị định vẫn chưa được thông qua, bởi do kỳ này Chính phủ quyết liệt làm minh bạch, hài hòa lợi ích các khâu nên đã nhiều lần trả lại các dự thảo Nghị định không phù hợp mà Bộ Công thương đã trình lên.
"Tôi nhận thấy, việc góp ý, kiến nghị theo dạng nhóm và theo dạng ủy quyền mặc dù vẫn được Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành quan tâm nhưng về mặt pháp lý thì chưa được chặt chẽ và bộc lộ nhiều khó khăn trở ngại.
Có quan điểm cho rằng đây chỉ là nhóm tự phát chứ không phải đấu tranh trong khuôn khổ bài bản quy định mặc dù chúng ta đấu tranh đúng quy định của pháp luật và phân tích rất hợp lý những vấn đề bất cập và bất công bằng của quy định", ông Giang Chấn Tây nói.
Do đó, ngày 24/9, tập thể các DNBL xăng dầu đã họp thống nhất và mong muốn thành lập nên hiệp hội để tiếng nói của một tổ chức đại diện cho DN được đảm bảo tính pháp lý theo quy định.
Từ đó, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của DNBL xăng dầu nhằm góp phần làm cho thị trường xăng dầu Việt Nam hoạt động công khai, minh bạch và phát triển ổn định.
"Bên cạnh đó, thông qua hiệp hội, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin giá cả thị trường xăng dầu và dự đoán giá bán lẻ để các DNBL tiện trong việc đặt hàng, nhằm kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn và phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng!", ông Tây chia sẻ.
Hiệp hội sẽ hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho các DNBL XD những lĩnh vực có liên quan như chính sách đất đai, thuế, tài chính kế toán, PCCC và môi trường… trong khả năng của hiệp hội.
Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc chia sẻ: "Từ việc thường xuyên chịu cảnh chiết khấu 0 đồng, chúng tôi mới thành lập các nhóm để góp ý sửa đổi chính sách cho phù hợp.
Năm 2022, tôi đã đề cập những khó khăn này với báo chí, nhờ truyền tải lên thông điệp để Chính phủ quan tâm giải quyết cho DNBL. Chẳng lẽ chúng ta bỏ tiền, bỏ vốn ra đầu tư 1 cây xăng mà chiết khấu thì cứ bấp bênh. Chiết khấu bao nhiêu đều do DN đầu mối ấn định xuống, chúng ta không có tiếng nói nào hết".
Chính vì thế, ông Thật cho rằng việc các DNBL họp mặt ban vận động thành lập hiệp hội lâm thời là cơ sở để các DN có thể báo cáo các cấp chính quyền, Trung ương để sớm được công nhận Ban vận động chính thức.
Qua đó, làm hồ sơ theo các quy định pháp luật để được Bộ Nội vụ đồng ý thành lập hiệp hội bán lẻ xăng dầu.
Thường xuyên có những ý kiến để Bộ Công thương, Chính phủ sửa những quy định liên quan xăng dầu, ông Lê văn Báu, Cửa hàng xăng dầu Dương Anh Thư, ở quận Tân Bình TP.HCM mong muốn các DNBL xăng dầu có được hiệp hội để giúp cho DN bán lẻ xăng dầu phát triển bền vững và công bằng cho xã hội.
"Không thể nào mình bỏ cả chục tỷ đồng ra đầu tư mà cứ lỗ hoài", ông Báu bộc bạch. "Phải có sự công bằng như nhau giữa DN lớn với DN nhỏ. DNBL xăng dầu trụ được, đủ sống được, thì nuôi được người lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu cho người dân", ông Báu tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận